Đời sống

U40 ở Đắk Nông mang cờ lê, tua vít đi học nghề

Thanh Hằng 15/11/2023 - 08:23

Ngoài 40 tuổi, nhiều lao động nông thôn của huyện Krông Nô được đi học nghề miễn phí. Sau khi hoàn thành khóa học, nhiều người đã biết áp dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất.

ADQuảng cáo

Quyết tâm học nghề vì chiếc máy cày cũ

Gắn bó với công việc đồng áng hàng chục năm qua, anh Đặng Văn Hai, thôn Nam Ninh, xã Nâm N’Đir (Krông Nô) hiểu rõ những vất vả mà lao động nông thôn như anh đang gặp phải. Thiếu kỹ thuật, phương tiện sản xuất cũ kỹ, xuống cấp… nên hiệu quả sản xuất không như mong muốn.

Hơn 3 tháng trước, anh Hai được tham gia lớp học sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô tổ chức. Không chỉ tham gia đầy đủ các buổi học, anh Hai còn tích cực vận động nhiều nam giới trong thôn đi học nghề. Kết quả, 30 học viên đều tốt nghiệp và thành thạo các kỹ năng cơ bản khi sửa chữa máy nông nghiệp.

hinh-hoc-nghe-1(1).jpg
Anh Đặng Văn Hai (bên phải) đi học nghề sửa chữa máy nông nghiệp để phục vụ sản xuất của gia đình.

Anh Hai kể, trước đây gia đình anh có chiếc máy cày để làm đất trồng lúa, trồng khoai. Chiếc máy cày làm việc không hiệu quả khi liên tục bị hỏng, thậm chí cả khi đang làm đất. Những lúc như vậy, anh Hai phải thuê một chiếc xe tải cỡ lớn để chở máy ra trung tâm huyện để sửa với chi phí rất tốn kém.

“Cũng vì máy cày thường xuyên bị hỏng, tôi quyết tâm đi học lớp sửa chữa. Đi học khi tuổi đã lớn nhưng vì công việc nên mình cố gắng rất nhiều. Sau 3 tháng, bản thân tôi đã nắm bắt được nguyên lý hoạt động của máy, có thể sửa chữa một số lỗi trong quá trình làm việc”, anh Hai nói.

Trong suốt 3 tháng học, thay vì mang theo sách vở đến lớp, anh Hai và các học viên mang theo túi đồ nghề là cờ lê, tua vít… để trực tiếp thực hành. Cũng nhờ cách học trực quan và thực hành ngay mỗi buổi học, các học viên đều thành thạo sửa chữa máy nông nghiệp sau ngày tốt nghiệp.

ADQuảng cáo

Mở lối thoát nghèo

Anh Nịnh Văn Ninh, lớp trưởng Lớp sửa chữa máy nông nghiệp chia sẻ, lớp có 30 học viên thì phần lớn là đồng bào Dao. Thông qua lớp học, các học viên đã được trang bị kiến thức để phục vụ sản xuất của gia đình. Nhiều học viên đã có thêm nghề sửa chữa máy nông nghiệp, phục vụ nhu cầu người dân các xã Nâm N’đir, Đức Xuyên và Đắk Nang.

“Hiện nay nhu cầu học nghề của bà con Nhân dân rất lớn. Ngoài các lớp dạy sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn thì chúng tôi cũng có nguyện vọng học nghề trồng trọt hoặc chăn nuôi để sản xuất hiệu quả hơn. Học nghề cũng giúp nhiều hộ gia đình dân tộc Dao có cơ hội vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống”, anh Ninh đánh giá.

hinh-hoc-nghe-2(1).jpg
Theo anh Ninh Văn Ninh, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn rất lớn với mong muốn học nghề để có cơ hội thoát nghèo.

Cũng quan điểm với anh Ninh, chị Nguyễn Thị Lực, thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô cùng cho rằng: “Kiến thức mang lại từ lớp học nghề trồng trọt giúp tôi và 27 học viên khác sản xuất nông nghiệp khoa học và hiệu quả hơn. Từ kết quả đạt được trong thực tế, nhiều học viên đồng bào Thái, Dao, Tày, Nùng… đăng ký tham gia học nghề với mong muốn phát triển kinh tế gia đình”.

Theo đánh giá của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục Thường xuyên huyện Krông Nô, thông qua các lớp đào tạo nghề, lao động nông thôn đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất, giúp giảm được chi phí, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Phát huy kết quả đạt được, huyện Krông Nô tiếp tục triển khai và nâng cao các lớp dạy nghề theo nhu cầu của người dân và sát với thực tế địa phương.

Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục Thường xuyên huyện Krông Nô cho biết thêm: “Tính từ đầu năm 2023 tới nay, đơn vị đã mở được khoảng 10 lớp sơ cấp nghề với hơn 340 học viên tham dự. Các lớp nghề dành lao động người dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả, góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có hiệu quả, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
U40 ở Đắk Nông mang cờ lê, tua vít đi học nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO