Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đạt thấp: Người dân cần nhận thức đầy đủ và chung tay khống chế bệnh dại

Trần Lê| 07/04/2016 09:03

Theo các chuyên gia y tế, đối tượng chính truyền bệnh dại cho con người chủ yếu là chó, mèo thông qua các vết cắn hoặc trầy xước do va chạm với chúng gây ra.

ADQuảng cáo

Tiêm phòng vắc xin dại chó tại thị trấn Kiến Đức

Mấy năm gần đây, cứ đến đợt tiêm phòng vắc xin dại chó là ông Nguyễn Đình Toản, tổ dân phố 9, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đưa 2 con chó của gia đình đến tiêm.

Ông Toản cho biết:  “Tôi nuôi chó cũng thương nó lắm. Nhiều lúc tôi xem nó như là bạn với con người nên cứ phải chích ngừa mới an tâm. Chó đã chích phòng dại nếu lỡ cắn, cào ai cũng đỡ sợ bị lây bệnh dại nguy hiểm lắm. Tôi thấy mũi thuốc có 18.000 đồng nhưng được hiệu quả cả một năm là quá rẻ. Hàng năm, nếu chưa có nhân viên thú y chủ động tới nhà, tôi cũng mời đến để chích ngừa cho vật nuôi.”

Thế nhưng, không phải ai cũng ý thức được như gia đình ông Toản. Theo chị Lê Thị Hòa, cán bộ Thú y thị trấn Kiến Đức thì cả ngày, nhóm 3 cán bộ thú y thị trấn cũng chỉ tiêm được khoảng vài chục con chó, mèo, một tỷ lệ quá nhỏ so với tổng đàn vật nuôi hiện có của nhân dân.  Ở khu vực thị trấn, giao thông đi lại thuận tiện đã vậy, còn những nơi giao thông cách trở, người dân cư trú thưa thớt, chó, mèo được nuôi trong rẫy thì việc tiêm phòng càng khó khăn hơn rất nhiều.

Nhiều người dân không chấp hành, không phối hợp với cán bộ thú y cơ sở để tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình mà tìm nhiều cách để tránh né. Từ đây, nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh dại cho cộng đồng và chính chủ đàn vật nuôi là rất cao.

ADQuảng cáo

Thực tế cho thấy, so với tiêm phòng heo, bò thì việc tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo khó khăn hơn rất nhiều. Thời gian qua, tuy lực lượng Thú y cơ sở có nhiều nỗ lực trong việc tiêm phòng bệnh dại như tuyên truyền bằng loa tay, xuống tận khu dân cư thông báo  nhưng tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng hàng năm vẫn còn đạt thấp.

Ông Nguyễn Công Văn, Trưởng trạm Thú y huyện Đắk R’lấp thừa nhận: “Chưa có điều tra chính thức về tổng đàn chó mèo của người dân trên địa bàn, nhưng những năm qua, anh em cán bộ thú y cơ sở cũng nắm được rằng tỷ lệ tiêm phòng rất thấp, khoảng 45%. Riêng năm nay, huyện được giao chỉ tiêu tiêm 2.600 liều, cao hơn năm ngoái 100 liều nhưng rất khó đạt kế hoạch. Nguyên nhân chính là do nhận thức chưa đầy đủ của người dân cho rằng vật nuôi trong nhà của mình thì ít khi mắc bệnh nên không cần thiết phải chích ngừa.”

Không riêng gì huyện Đắk R’lấp mà các địa phương khác trong tỉnh thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn trong công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo. Mặc dù trong thời gian này, các địa phương đang mở “chiến dịch” tiêm phòng dại trên chó mèo nhưng tỷ lệ cũng đạt khá thấp so với kế hoạch. Cụ thể như huyện Chư Jút đạt 1.100 liều/ 2.600 liều; Tuy Đức  837 liều/ 1.700 liều; Đắk Song 1.150 liều/1.700 liều và Đắk Glong 971/ 1.950 liều. Tuy nhiều người dân không chấp hành hoặc không hợp tác nhưng lực lượng thú y cũng khó thuyết phục vì hiện hoạt động nuôi chó, mèo vẫn diễn ra tự do, thiếu quản lý về lượng đàn, chủ sở hữu.

Để giải  quyết vấn đề, ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng: “Nếu hoạt động nuôi chó, mèo được đăng ký với chính quyền địa phương thì cơ quan thú y rất thuận lợi trong thống kê số lượng đàn để lập kế hoạch tuyên truyền, tiêm vắc xin phòng ngừa. Với thực trạng hiện nay, mặc dù hàng năm, Chi cục có triển khai các đợt cao điểm để tiêm vắc xin phòng dại trên chó, mèo và thường xuyên tiếp nhận tiêm đơn lẻ nhưng tỷ lệ tham gia rất thấp. Nếu người nuôi chó, mèo không xích, nhốt mà thả rông phổ biến như hiện nay thì rất nguy hiểm cho cộng đồng”.

Từ đây cho thấy, vì sức khỏe cộng đồng và chính bản thân, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành Thú y để bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi, đồng thời chung tay góp phần thực hiện tốt Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đạt thấp: Người dân cần nhận thức đầy đủ và chung tay khống chế bệnh dại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO