Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Đắk Nông đứng đầu Tây Nguyên
Năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Đắk Nông tiếp tục duy trì ổn định kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả nổi bật. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Sáng ngày 6/1, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2024 và kế hoạch, nhiệm vụ năm 2025.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công đứng đầu khu vực Tây Nguyên
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) năm 2024 đạt 4,87%, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đứng đầu khu vực, xếp thứ 27/63 cả nước.
Các lĩnh vực sản xuất có nhiều điểm sáng; nông nghiệp tăng trưởng nhờ giá nông sản chủ lực cao và mở rộng chăn nuôi. Hạ tầng giao thông phát triển vượt kế hoạch, với tỷ lệ nhựa hóa đạt 72,5%.
Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 81,66 triệu đồng, cao hơn kế hoạch 12,81 triệu đồng. Kết quả đạt được là nguồn động viên lớn, thể hiện một bước tiến trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục được chú trọng; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh và giảm nghèo bền vững có nhiều kết quả tích cực.
An ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỉnh đã ban hành 17/20 nội dung thi hành Luật Đất đai năm 2024, đứng thứ 3 cả nước và dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn tồn tại những khó khăn như: Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng.
Các chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, tổng vốn đầu tư, thu ngân sách chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng còn nhiều tồn tại, còn tình trạng công trình xây dựng không có trong quy hoạch xây dựng, bố trí sai quy hoạch, bố trí hạ tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch.
Tình trạng phá rừng, nhất là tại các địa phương là điểm nóng về phá rừng tại các huyện Đắk Glong, Đắk Song còn diễn ra. Tình trạng khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ và san lấp mặt bằng trái phép vẫn tiếp tục diễn ra.
Ngoài ra, còn một số khó khăn trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội liên quan đến nguồn nhân lực trong bộ máy hành chính, tình trạng thiếu biên chế đối với ngành giáo dục và y tế; việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ cho người dân, tổ chức; hoạt động tôn giáo trên không gian mạng, hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đặt ra 11 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo quyết tâm cao cho năm 2025, và đặt ra 11 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến việc cải thiện toàn diện đời sống người dân và phát triển bền vững.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Đắk Nông, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự kiến đạt 6,84%, nâng GRDP bình quân đầu người lên 82 triệu đồng/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tính đạt 25.000 tỉ đồng, trong khi thu ngân sách Nhà nước phấn đấu chạm mốc 3.350 tỉ đồng.
Song hành với phát triển kinh tế, tỉnh Đắk Nông đặt trọng tâm vào công tác giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện. Theo chuẩn giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ hộ nghèo dự kiến giảm từ 1% trở lên, trong đó hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm ít nhất 2%.
Những mục tiêu này không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong thúc đẩy kinh tế, mà còn khẳng định cam kết chăm lo đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, đảm bảo sự phát triển công bằng và bền vững.
Với các mục tiêu đã đề ra, chính quyền tỉnh Đắk Nông thể hiện quyết tâm cao độ, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu trước năm 2025 - cột mốc quan trọng, khép lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2020-2025.
Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu này, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và trách nhiệm, quyết liệt từ người đứng đầu cho đến mỗi cán bộ, công viên chức trên địa bàn.