Chỉ số DXY chạm đáy 3 năm trong bối cảnh bất ổn thuế quan
Chỉ số DXY duy trì đà giảm mạnh trong suốt tháng dưới sức ép của vòng xoáy thuế quan. Cụ thể, ngày 2/4 được Tổng thống Trump tuyên bố là “Ngày giải phóng” của nước Mỹ với việc áp thuế đối ứng quy mô lớn lên nhiều đối tác thương mại, trong đó có việc nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%. Tuy nhiên, ông đã quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.
Bên cạnh đó, áp lực giảm lên đồng USD càng gia tăng khi Tổng thống Trump liên tục chỉ trích cũng như gây sức ép lên Cục Dự trữ Liên bang với ý định muốn bãi nhiệm Chủ tịch Fed. Trong bối cảnh này, chỉ số DXY đã chạm đáy ba năm tại mức 98.3 vào ngày 21/4 (-10.2% so với đầu năm).

Về dữ liệu kinh tế, ngành sản xuất Mỹ tiếp tục suy giảm tháng thứ hai liên tiếp với chỉ số PMI ISM đạt 48.7 điểm trong tháng 4 do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan mới. Lạm phát hạ nhiệt nhẹ với chỉ số PCE tháng 3 tăng 2.3% svck, thấp hơn mức 2.7% của tháng 2. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong hơn hai năm trở lại đây khi các hộ gia đình đẩy mạnh hoạt động mua sắm trước khi các mức thuế mới được áp dụng.
Đối mặt với nhiều rủi ro bất định và triển vọng kinh tế ảm đạm, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp thứ hai trong lịch sử kể từ năm 1952. Theo đó, đồng USD sụt giảm 4.8% trong tháng về mức 99.2 vào cuối tháng 4 (-9.3% so với đầu năm).
Tỷ giá vẫn neo ở mức cao trong suốt tháng dù đồng USD suy giảm
Mặc dù chỉ số DXY đã giảm mạnh 9.7% từ đỉnh năm 2025, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn duy trì ở ngưỡng cao trong tháng 4. Chuyên gia tại MBS cho rằng việc tỷ giá neo ở mức cao một phần được cho là do các yếu tố: Thứ nhất, trong tháng 4, KBNN tiếp tục chào mua USD từ các NHTM với tổng trị giá 110 triệu USD, qua đó cũng đã phần nào khiến nguồn cung ngoại tệ càng bị thắt chặt. Thứ hai, trong bối cảnh tình hình thương mại đối mặt với nhiều bất ổn liên quan đến các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp thường có xu hướng tăng. Cuối cùng, việc lãi suất liên NH giảm mạnh về mức đáy 13 tháng vào cuối tháng đã khiến chênh lệch lãi suất VND – USD đảo chiều âm ở mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay.
Theo đó, tỷ giá liên NH tăng 1.4% so với cuối tháng 3 lên mức 25,994 VND/USD (+2.1% so với đầu năm). Tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức 26,470 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24,956 VND/USD, tương ứng mức tăng lần lượt 2.8% và 2.5% so với đầu năm 2025.

MBS kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25,500 – 26,000 VND/USD trong năm 2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025. Ngoài ra, các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ dự kiến sẽ tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới và có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối - vốn đã khá khiêm tốn của Việt Nam sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, cho tới nay các yếu tố nội tại vẫn đang ghi nhận những kết quả tích cực như: thặng dư thương mại (~3.79 tỷ USD trong 4T2025), vốn FDI giải ngân (6.74 tỷ USD, +7.3% svck) và sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế (+23.8% svck trong 4T2025). Theo đó, điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đồng VND.