Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD tăng 0,22%, đạt mức 104,31 sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ ổn định trong tháng 3, cùng với bản báo cáo rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ linh hoạt với các mức thuế quan sắp tới. Theo đó, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) tổng hợp của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã tăng từ mức 51,6 của tháng 2 lên mức 53,5 trong tháng này. Chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng trong khu vực tư nhân. Ngành dịch vụ chiếm phần lớn sự gia tăng của PMI, một phần là do nhiệt độ giảm khi mùa xuân đến.
Tuy nhiên, sang ngày 26-3, đồng bạc xanh giảm 0,05%, xuống mức 104,21 do tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư xung quanh các mức thuế quan theo kế hoạch của Tổng thống Mỹ, sau một đợt tăng giá trước đó do sự lạc quan rằng ông sẽ linh hoạt trong việc áp dụng thuế nhập khẩu.
Nhưng đến ngày 27-3, chỉ số DXY lại quay đầu tăng 0,48%, đạt mức 104,67 khi các nhà giao dịch chờ đợi thông báo từ Tổng thống Trump về thuế ô tô. Trước đó, ông Trump cho biết rằng chính sách thuế quan đối với ô tô nhập khẩu có thể được áp dụng trong tuần này, trước kế hoạch công bố một loạt thuế quan “có đi có lại” vào tuần tới. Ông Trump và các cố vấn kinh tế của ông đã hứa sẽ công bố các khoản thuế đó, và có thể là một số mức thuế bổ sung theo ngành. Ngoài ra, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis Neel Kashkari cho biết, ông không chắc chắn về tác động của thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ, lưu ý rằng chúng có thể đẩy giá lên cao hơn hoặc làm chậm tăng trưởng kinh tế và đòi hỏi phải giảm chi phí đi vay.

Tới ngày 28-3, đồng USD lại giảm 0,27%, xuống mức 104,28 khi các nhà giao dịch cân nhắc mức thuế quan nghiêm ngặt mà Tổng thống Mỹ dự kiến công bố vào tuần tới. Sự lạc quan gia tăng rằng Tổng thống Donald Trump sẽ linh hoạt trong việc áp dụng chính sách thuế quan đã thúc đẩy đồng bạc xanh vào đầu tuần này, nhưng các nhà giao dịch vẫn lo lắng trước thông báo về chính sách thuế quan “có đi có lại” theo kế hoạch của ông vào ngày 2-4.
Đồng bạc xanh chốt tuần giao dịch bằng việc giảm 0,32%, xuống mức 104,01 trong bối cảnh giới giao dịch vẫn còn lo ngại rằng chính sách thuế quan thương mại của Mỹ sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế và khiến lạm phát bùng phát trở lại. Các nhà phân tích ngoại hối Athanasios Vamvakidis và Claudio Piron tại Bank of America cho biết: “Chúng tôi không mong đợi đồng USD mạnh lên trong trường hợp này, vì thị trường vẫn lo ngại về viễn cảnh nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại. Việc áp dụng chính sách thuế quan mới cũng cần thời gian, điều này sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán trong tương lai”.
Ngoài ra, đồng tiền của Mỹ giảm sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát cơ bản tăng 0,4% vào tháng 2, cao hơn dự kiến. Theo đó, lạm phát tiêu đề đã chứng kiến mức tăng 0,3% đúng như dự kiến. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cũng phục hồi trong tháng. Riêng một cuộc khảo sát từ Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 2 năm vào tháng 3.
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 30-3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng tuần 30 đồng, hiện ở mức 24.843 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 23.651 đồng - 26.035 đồng.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank mua vào 25.370 đồng; bán ra 25.760 đồng
Vietinbank mua vào 25.245 đồng; bán ra 25.825 đồng
BIDV mua vào 25.405 đồng; bán ra 25.755 đồng