Tuyên Quang: Khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đỗ Nga| 20/11/2023 15:23

Với đa dạng sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tuyên Quang, việc khơi thông đầu ra cho các sản phẩm này sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương.

ADQuảng cáo

Tuyên Quang: Phát triển lưới điện vùng khó khăn, động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèoKhai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực Tuyên Quang 2023

Nan giải bài toán xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Tuyên Quang là tỉnh có 121 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 46 xã, 570 thôn đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm trên 56,76%.

Đây là nơi có địa hình chủ yếu là đồi núi, với hệ thống công trình thủy lợi đa dạng và phong phú, thuận lợi cho tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Thêm vào đó, điều kiện khí còn hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng. Chính vì thế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hoá trở thành lựa chọn hàng đầu để giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tuyên Quang vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống kinh tế.

Kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng Tuyên Quang
Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023 diễn ra từ ngày 18/11-23/11/2023 với quy mô gần 70 gian hàng của các tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài tỉnh tham gia.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngay sau khi Trung ương triển khai Chương trình, năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo, tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, chú trọng lồng ghép với các chương trình, dự án khác.

Tuyên Quang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản mà tỉnh có thế mạnh. Rất nhiều mô hình sản xuất đã ra đời và đạt được thành công, góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đơn cử như mô hình Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung tại xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương; hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm; chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản đặc trưng, đặc sản của tỉnh Tuyên Quang và các vùng miền.

Sau 5 năm thành lập, quy mô chăn nuôi của Hợp tác xã không chỉ đứng trong tốp đầu của tỉnh mà còn đi đầu áp dụng nuôi lợn thịt bằng thức ăn thảo dược. Từ mô hình chăn nuôi khép kín, sáng tạo, Hợp tác xã đã từng bước xây dựng thành chuỗi đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược ra thị trường với mục tiêu hướng tới cung cấp sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng từ nông trại đến bàn ăn.

Liên kết chéo, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm OCOP, chủ lực Tuyên Quang
Thịt heo thảo dược của Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung từng bước khẳng định được giá trị thương hiệu từ chiến lược kinh doanh riêng biệt

Hiện nay, sản phẩm thịt lợn thảo dược Sáng Nhung đã được đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn và nhiều tỉnh thành đón nhận sử dụng. Với hướng đi mới, Hợp tác xã Sáng Nhung không chỉ tạo việc làm cho các thành viên của Hợp tác xã mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Nguyễn Ngọc Sáng - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung nhìn nhận, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là khâu kết nối cung cầu, đầu ra của sản phẩm. Sâu xa hơn vấn đề khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp đó là câu chuyện định vị, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm của doanh nghiệp. Việc này, hầu hết các doanh nghiệp đang làm rất yếu và thiếu chiến lược bài bản.

Đề cập về những thuận lợi và khó khăn trong công tác xúc tiến thương mại tại Hội nghị Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng tỉnh Tuyên Quang năm 2023, ngày 19/11, ông Hoàng Anh Cương – Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết, thời năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 191 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó có rất nhiều sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP đã được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee…

ADQuảng cáo
Kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng Tuyên Quang
Hội nghị Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng tỉnh Tuyên Quang năm 2023, ngày 19/11.

"Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình không có cửa khẩu, bến cảng hay các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, vì thế các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Tuyên Quang còn nhiều hạn chế. Việc định hình, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho hàng hoá của tỉnh, nhất là hàng hoá tại khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn" - Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang nói.

Liên kết chéo hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm chủ lực địa phương

Trao đổi về các giải pháp, cách thức tiếp cận mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà Đào Thị Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sẩn phẩm OCOP trong nước, hướng tới thị trường quốc tế, các cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tuyên truyền, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn; chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng Tuyên Quang
Ông Nguyễn Ngọc Sáng - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (áo trắng bên phải) chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp từ lợn thảo dược tới khách hàng

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ sản lượng, sản xuất phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng; các chủ thể OCOP cần phân định rõ các khâu trong xây dụng và nâng cao chất lượng sản phẩm (gồm 3 phân khúc sản xuất – chế biến – tiêu thụ). Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, giảm áp lực mùa vụ, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Cũng theo Sở Công Thương Tuyên Quang, một trong những hướng đi mới để thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm địa phương đó là kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các tỉnh thành. Do đó, hiện Sở đang làm việc với Sở Công Thương tỉnh An Giang để kết nối đầu ra chéo cho sản phẩm của 2 địa phương thông qua các điểm bản sản phẩm OCOP, hệ thống các siêu thị.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Ngọc Diệu - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang và tỉnh Tuyên Quang có nhiều sản phẩm OCOP có thể trao đổi, tiêu thụ lẫn nhau, đặc biệt là những sản phẩm dễ vận chuyển và có thời gian bảo quản dài lâu.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn chung của cả hai địa phương là chưa có đại lý phân phối, chi phí vận chuyển sẽ khiến giá thành sản phẩm cao hơn giá tại nơi sản xuất. Do vậy, rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của ngành Công Thương hai địa phương để các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện tiêu thụ thuận lợi các sản phẩm OCOP của cả hai tỉnh An Giang và Tuyên Quang. Đồng thời, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất cần nghiên cứu nhu cầu của người dân các vùng miền để cải tiến thành phần sản phẩm cho phù hợp với người dân các địa phương.

Kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng Tuyên Quang
Khách hàng tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội nghị Kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng tỉnh Tuyên Quang năm 2023.

Không chỉ tăng cường thúc đẩy, kết nối tiêu thụ các sản phẩm trong nước, hiện, Sở cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu cho các sản phẩm. Trong đó, có sự tham gia và hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, Liên minh xúc tiến ACTONE Global đã kết nối với đầu mối của Liên minh tại một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm tại Tuyên Quang.

Theo bà Vũ Thị Oanh - Chủ tịch Liên minh xúc tiến thương mại ACTONE Global, việc kết nối trực tiếp với đầu mối của Liên minh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh Tuyên Quang hiểu rõ về các thị trường, nắm những yêu cầu cơ bản về tiêu thụ sản phẩm của các quốc gia, đề xuất phương án giúp việc đưa các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đến thị trường quốc tế và một số chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh.

Kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng Tuyên Quang
Ông Phạm Xuân Phú - đại diện Trung tâm Khuyến công 1 - Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các doanh nghiệp về giải pháp cung ứng sản phẩm trên địa bàn tỉnh

Để tháo gỡ khó khăn, khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, theo ông Hoàng Anh Cương - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, ngành Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên tổ chức các chương trình hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Tuyên Quang, tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.

Đỗ Nga

ADQuảng cáo
Theo congthuong.vn
https://congthuong.vn/tuyen-quang-khoi-thong-dau-ra-cho-san-pham-ocop-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-286685.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO