Tuyến cáp quang biển thứ 5 của Việt Nam gặp sự cố
Lúc 2h45 sáng nay, tuyến cáp quang biển SMW3 gặp sự cố lỗi cáp đoạn S2.7 (Singapore – BU12) nhưng chất lượng Internet của VNPT không bị ảnh hưởng.
SMW3 là tuyến cáp quang biển thứ 5 của Việt Nam bị sự cố. Trước đó 4 tuyến cáp quang biển các nhà mạng Việt Nam khai thác gặp sự cố và đang trong giai đoạn chờ khôi phục.
Trong những ngày gần đây, nhiều người dùng Internet cho biết chất lượng truy cập Internet quốc tế đã ổn định hơn khi truy cập vào các ứng dụng mạng xã hội phổ biến như TikTok, YouTube, Facebook, game, video streaming….
Ngày 21/2/2023 tuyến cáp biển SMW3 tiếp tục bị sự cố, nhưng việc này không ảnh hưởng đến chất lượng Internet của VNPT do đây là tuyến cáp cũ, dự kiến sắp dừng hoạt động và nhà mạng này không sử dụng dung lượng của tuyến cáp này cho các dịch vụ Internet băng rộng cố định của mình.
Đại diện VNPT cho biết, để khắc phục sự cố cáp quang biển liên tục đứt, VNPT đã tích cực ứng cứu bổ sung kênh cáp đất và triển khai nhiều giải pháp san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối và các dịch vụ, phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ/ứng dụng quốc tế để tối ưu chất lượng streaming, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ.
Từ 18/2/2023, VNPT bổ sung thêm 30% dung lượng băng thông quốc tế từ các tuyến cáp đất liền theo hướng qua Campuchia/Thái Lan đến Singapore và qua Trung Quốc đến HongKong, do vậy chất lượng truy cập Internet quốc tế của các khách hàng VNPT cơ bản được đảm bảo kể cả khi các tuyến cáp biển chưa được sửa chữa xong.
Dự kiến tuyến cáp biển APG sẽ hoàn thành sửa chữa và bổ sung cho VNPT thêm 400G dung lượng cuối tháng 2/2023, góp phần củng cố năng lực và đảm bảo dự phòng cho mạng internet VNPT.
Là Tập đoàn viễn thông đầu tiên đầu tư vào cáp biển đi quốc tế, VNPT đã tham gia xây dựng 5 tuyến cáp biển (4 tuyến đang hoạt động, tuyến SJC 2 - South East Asia Japan 2 Cable System kết nối Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, HongKong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023), đồng thời duy trì dung lượng qua các tuyến cáp đất đi Singapore và HongKong để đảm bảo nền móng kết nối mạng lưới thông tin cho hoạt động kinh tế xã hội của Việt nam với Thế giới.
Để dự phòng trong trường hợp các tuyến cáp biển hiện có gặp sự cố, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng băng thông quốc tế của người dùng trong dài hạn, VNPT đã và đang đầu tư thêm 4 tuyến cáp biển mới, trong đó tuyến SJC 2 dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay, bổ sung thêm 18T lưu lượng quốc tế cho người dùng tại Việt Nam.
Tuyến cáp quang biển SJC2 (South East Asia – Japan 2 Cable System) kết nối Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, HongKong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, do VNPT cùng các tập đoàn viễn thông công nghệ lớn như CHT, CMI, DHT, Facebook, KDDI, Singtel, SKB, Telin và TICC đầu tư hiện đã đạt tỷ lệ xây dựng khoảng 60% với 8/10 điểm cập bờ.
Điểm cập bờ Việt Nam của cáp SJC2 tại Quy Nhơn đã được VNPT phối hợp tốt với nhà thầu hoàn thành vào tháng 8/2019, toàn tuyến dự kiến đi vào khai thác vào cuối năm nay. Với 18T dung lượng internet quốc tế sở hữu qua tuyến SJC2 - gấp nhiều lần nhu cầu hiện nay, VNPT sẽ cung cấp dung lượng lớn băng thông quốc tế cho người dùng, đảm bảo dự phòng trong mọi trường hợp sự cố, đồng thời hỗ trợ đường truyền cho cả các nhà mạng khác.
VNPT cũng đang tham gia đầu tư 3 tuyến cáp biển mới. Dự kiến đến 2030, Việt Nam sẽ có hạ tầng cáp biển hiện đại với 9 tuyến, đưa Việt Nam thành Hub kết nối trong khu vực, giảm phụ thuộc vào 2 Hub chính hiện nay là Singapore, HongKong (Trung Quốc).
Ngoài các tuyến cáp biển, VNPT còn có các hướng cáp đất liền kết nối Việt Nam đi quốc tế như tuyến cáp đất kết nối với HongKong qua Trung Quốc, tuyến cáp kết nối với Singapore qua Campuchia, Thái Lan… Các tuyến cáp đất quốc tế có độ ổn định cao, được sử dụng bổ sung, dự phòng cho các tuyến cáp biển khi có sự cố, đảm bảo an toàn mạng lưới và chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.