Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo (ảnh, giữa) nhấn mạnh ASEAN phải chung tay biến thách thức thành cơ hội, biến cạnh tranh thành hợp tác, biến độc quyền thành sự bao trùm và biến sự khác biệt thành thống nhất. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo Giáo sư Dewi Fortuna Anwar - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Habibie, chuỗi Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 diễn ra từ ngày 5-7/9 tại Jakarta (Indonesia) đã đạt được nhiều kết quả, trong đó có việc thông qua văn kiện then chốt là Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Giáo sư Dewi cho biết mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia đều có thỏa thuận này, cụ thể là Tuyên bố Hòa hợp ASEAN I, II, và III với các tên gọi tương xứng là Tuyên bố Bali I, II và III.
Văn kiện được thông qua tại Hội nghị lần này đưa ra những lĩnh vực chính, các nguyên tắc, mong muốn, cũng như các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ASEAN.
Cụ thể, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV nhấn mạnh các nguyên tắc của Hiệp hội, trong đó có sự tuân thủ Hiến chương ASEAN và tuân thủ những nguyên tắc khác của ASEAN, bao gồm Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và đảm bảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng dựa vào UNCLOS 1982.
Tuyên bố còn đề cập đến tầm quan trọng của ASEAN, cũng như tầm quan trọng của công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN, đảm bảo ASEAN sẽ trở nên thịnh vượng với tư cách là “Tâm điểm tăng trưởng.”
Đề cập đến Tuyên bố cấp cao về Tầm nhìn ASEAN năm 2045, Giáo sư Dewi - người cũng được biết đến với tư cách đồng sáng lập Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia (FPCI), viện nghiên cứu lớn và có uy tín trong khu vực - cho hay hiện Lực lượng đặc nhiệm cấp cao ASEAN dưới dự chủ trì của Indonesia và Malaysia đang bắt tay soạn thảo văn kiện này và dự kiến sẽ công bố vào năm 2025 khi Malaysia giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, với mong muốn đưa Hiệp hội trở thành một tổ chức khu vực gắn kết hơn nữa.
Nhà nghiên cứu chính trị và quốc tế nổi tiếng của Indonesia bày tỏ hy vọng một trong những điều cơ bản là Tầm nhìn ASEAN năm 2045 cũng đảm bảo khu vực Đông Nam Á vẫn thống nhất, bất chấp sự khác biệt và tính đa dạng giữa các quốc gia thành viên.
Theo Giáo sư Dewi, ASEAN có trụ cột kinh tế, trụ cột chính trị và an ninh, và trụ cột văn hóa-xã hội.
Riêng về trụ cột kinh tế, ASEAN vẫn tồn tại trình độ phát triển khác nhau.
Vì vậy, ASEAN vẫn cần có cách tiếp cận khác biệt hơn.
Hơn nữa, nếu kết nạp Timor-Leste làm thành viên mới, Hiệp hội cần nỗ lực biến Cộng đồng Kinh tế ASEAN trở nên có ý nghĩa và không ai bị bỏ lại phía sau./.