Tuy Ðức phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng

Đức Hùng| 06/12/2022 08:48

Huyện Tuy Đức đang dựa vào các tiềm năng, lợi thế để xây dựng các sản phẩm OCOP. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 có thêm nhiều sản phẩm OCOP từ các lợi thế sẵn có.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) đã liên kết những người sản xuất mắc ca trên địa bàn để hình thành vùng nguyên liệu quy mô hơn 200 ha.

HTX đầu tư máy móc chế biến, đóng gói, xây dựng nhãn mác và cho ra thị trường sản phẩm "Mắc ca M’nông". Năm 2020, sản phẩm này của HTX được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, sản phẩm "Mắc ca M’nông" đã khai thác được những tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là nét văn hóa đặc trưng của vùng dân tộc M’nông.

Quá trình xây dựng OCOP cho sản phẩm, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX rất nhiều. Trong đó, UBND huyện Tuy Đức đã tư vấn, hướng dẫn HTX hoàn thiện hồ sơ đánh giá OCOP cho sản phẩm.

Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của huyện Tuy Đức

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX đang thay đổi quy trình sản xuất mắc ca theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, quá trình chăm sóc vườn cây, thu hoạch, bảo quản quả mắc ca đều được HTX rất chú trọng.

Nhờ những nỗ lực đổi mới, HTX đã nâng cao giá trị hạt mắc ca cho người dân địa phương. "Việc bán mắc ca đã qua chế biến, có nhãn mác, thương hiệu đã giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, tạo được chỗ đứng cho sản phẩm OCOP trên thị trường", ông Tuấn cho biết.

Huyện Tuy Đức hiện có gần 60.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, mắc ca, khoai lang... Với sự đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, Tuy Đức có nhiều thuận lợi để xây dựng các sản phẩm OCOP.

Ðến nay, huyện đã xây dựng thành công 5 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các sản phẩm OCOP này đều xuất phát từ vùng nguyên liệu sẵn có của địa phương. Sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart để quảng bá, tiêu thụ.

ADQuảng cáo

Tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể sản xuất đã hoàn thiện sản phẩm hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc.

Tuy Đức có nhiều tiềm năng, lợi thế để thực hiện Chương trình OCOP

Ông Kiều Quí Diện, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức đánh giá, các sản phẩm OCOP được hình thành từ các nông sản tại địa phương đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, ngành chức năng của huyện đang nỗ lực định hướng các chủ thể phát triển các sản phẩm tiềm năng, khai thác hiệu quả vùng nguyên liêu sẵn có, các đặc trưng của huyện để tạo ra các sản phẩm OCOP mới.

Giai đoạn từ nay đến 2025, huyện tiếp tục xây dựng thêm 5 sản phẩm OCOP mới. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Tuy Đức tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Trong đó, những loại cây trồng là thế mạnh của Tuy Đức như khoai lang, mắc ca, sầu riêng, bơ, rau quả... sẽ được huyện chú trọng phát triển theo hướng chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn an toàn, có mã vùng trồng.

Từ đó, huyện tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất nông sản chất lượng cao, làm nền tảng cho việc hình thành các sản phẩm OCOP. Song song với việc phát triển số lượng, huyện cũng chú trọng kết nối, tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP sẽ được huyện Tuy Đức xúc tiến thương mại, đưa lên các sàn giao dịch điện tử để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra. Không chỉ thị trường trong nước, các sản phẩm OCOP của huyện sẽ hướng tới thị trường xuất khẩu.

Huyện cũng khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Ðức phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO