Tuy Đức tạo sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên

Bài, ảnh: Đức Hùng| 07/06/2022 09:08

Hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập để thoát nghèo là giải pháp mà huyện Tuy Đức thực hiện nhiều năm nay. Qua giải pháp này, nhiều hộ nghèo đã dần khá lên và thoát nghèo bền vững.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Điểu MBy A, ở bon Bu Dăr, xã Quảng Trực, thuộc hộ nghèo nhiều năm liền. Kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào 1 vụ lúa trồng vào mùa mưa.

Ông phải thường xuyên đi làm thuê, nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống. Chính vì thế, gia đình ngày càng khó khăn, không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Năm 2010, ông được chính quyền địa phương hỗ trợ 70 cây giống mắc ca để trồng trong vườn. Ông còn được chính quyền địa phương hỗ trợ vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.

Từ nguồn vốn vay, ông mua 1.000 cây giống cà phê về trồng. Sau đó, ông tiếp tục mua giống điều về trồng xen trong rẫy cà phê. Ngoài ra, ông còn được vay vốn để mua sắm xe cày phục vụ sản xuất.

Ông Điểu MBy A, ở bon Bu Dăr, xã Quảng Trực, được hỗ trợ vốn mua máy nổ phục vụ sản xuất

Đến nay, toàn bộ cây trồng của gia đình ông đều đã cho thu nhập. Trong đó, năm vừa qua, ông đã có nguồn thu từ 2 tấn cà phê; 1,5 tấn hạt điều…

Điểu MBy A cho biết, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì gia đình ông đã thoát nghèo. Bây giờ nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ các loại cây trồng nên kinh tế gia đình đã khấm khá hơn.

Tương tự, gia đình ông Điểu Kruch, ở bon Bu Dăr, xã Quảng Trực, là hộ nghèo từ năm 1996. Cũng như nhiều hộ trên địa bàn, do không tạo được nguồn thu nhập, gia đình lại đông con, khiến kinh tế gia đình ông ngày càng khó khăn.

Năm 2001, gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ 300 cây giống cà phê để trồng trong vườn. Năm 2017, ông được chính quyền địa phương cấp cho 3 sào ruộng ở bon Đắk Huýt để sản xuất lúa.

Địa phương còn hỗ trợ kỹ thuật, giống giúp gia đình ông sản xuất lúa hiệu quả. Ông cũng được vay vốn ưu đãi để mua máy móc, thiết bị sản xuất, cây giống…

ADQuảng cáo

Ông Điểu Kruch, ở bon Bu Dăr, nhiều lần được vay vốn để đầu tư mua cây giống phát triển sản xuất

Hiện nay, mỗi vụ sản xuất, gia đình ông thu hoạch được 30 bao lúa (mỗi năm sản xuất 2 vụ). Đối với cà phê, mỗi năm ông thu khoảng 1,8 tấn.

Ông Điểu Kruch cho biết: "Gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định. Vài năm nữa, khi các cây trồng cho thu hoạch đều, kinh tế sẽ ổn hơn. Khi đó, gia đình tôi chắc chắn sẽ thoát nghèo".

Theo UBND huyện Tuy Đức, năm 2021, trên địa bàn có tổng cộng 4.224 lượt hộ nghèo vay vốn ưu đãi, với tổng dư nợ hơn 182 tỷ đồng; 1.162 lượt hộ cận nghèo vay tổng cộng 52,7 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức đánh giá, việc thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn huyện diễn ra có hiệu quả.

Ngoài việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, huyện còn trực tiếp giúp các hộ nghèo tạo nhiều nguồn thu nhập, nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất.

Qua quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo, huyện đã từng bước thay đổi tư duy, khơi dậy ý chí, chủ động vươn lên của người nghèo.

Cũng theo bà Phượng, năm 2022, huyện Tuy Đức đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo là 3%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%, hộ nghèo DTTS tại chỗ giảm 5%.

Để đạt mục tiêu này, huyện tập trung nguồn lực giảm nghèo theo hướng nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đối với hộ nghèo. Huyện thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả.

Địa phương cũng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ, đỡ đầu, kết nghĩa giữa các thôn/bon/bản, từ đó giúp hộ nghèo phát triển kinh tế hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức tạo sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO