Kinh tế

Tuy Đức phát triển OCOP từ lợi thế vùng sản xuất

Hoàng Đức Hùng 28/12/2023 20:20

Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) dựa vào các lợi thế của vùng sản xuất nông nghiệp để phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

ADQuảng cáo

Nhận thấy sản lượng mắc ca trên địa bàn huyện ngày càng lớn, bà Phạm Thị Nguyệt, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, đã đầu tư máy móc và nhà xưởng để chế biến mắc ca sấy phục vụ thị trường. Sau khi hoàn thiện về mẫu mã bao bì, liên kết mở rộng diện tích trồng, nhà xưởng sản xuất, gia đình bà đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP và đạt 3 sao cấp huyện.

ocop(1).jpg
Bà Phạm Thị Nguyệt ở xã Đắk Búk So đã đầu tư máy móc và nhà xưởng để chế biến mắc ca sấy phục vụ thị trường

Bà Nguyệt chia sẻ: "Mắc ca thô thường bị thương lái ép giá, tôi đã đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến với mong muốn mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho gia đình và kết nối tiêu thụ cho người dân. Tôi mong muốn sản phẩm mắc ca sấy Cao Nguyên của mình được biết đến nhiều hơn thông qua các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ của các ngành chức năng".

Tương tự, sản phẩm mắc ca sấy và cà phê bột của cơ sở chế biến mắc ca Khang Luyến, ở xã Đắk Búk So, đã có mặt trên thị trường 4 năm nay. Mỗi năm cơ sở chế biến khoảng 20 tấn mắc ca và 40 tấn cà phê. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và từng bước tạo dựng chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, cơ sở chú trọng từ khâu thu mua nguyên liệu, đầu tư máy móc chế biến.

Sau khi bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, cơ sở đã tham gia Chương trình OCOP để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của địa phương.

Ông Phạm Văn Khang, chủ cơ sở chế biến mắc ca Khang Luyến cho biết: "Được công nhận là sản phẩm đặc trưng của huyện, tôi mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để cơ sở tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ".

ADQuảng cáo

Tuy Đức là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Đắk Nông, với gần 60.000ha đất nông nghiệp. Trong đó, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca, sầu riêng... Với sản phẩm nông sản đa dạng, Tuy Đức có nhiều lợi thế và tiềm năng để xây dựng các sản phẩm OCOP.

tuyduc(1).jpg
Tuy Đức đang dựa vào các tiềm năng, lợi thế của vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn để phát triển mạnh các sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Tuy Đức xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế và gia tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp.

Huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã phát huy tiềm năng, thế mạnh, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng của từng xã. Huyện định hướng thông qua việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, khuyến khích các chủ thể đầu tư máy móc chế biến nông sản.

Sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay huyện Tuy Đức đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức của chính quyền các cấp, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của chương trình trong phát triển kinh tế nông thôn.

Năm 2023, từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, huyện tổ chức hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm với kinh phí 700 triệu đồng.

Huyện Tuy Đức hiện có 13 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 11 sản phẩm 3 sao cấp huyện, 2 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Riêng năm 2023, huyện có 10 sản phẩm của 9 chủ thể đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao OCOP cấp huyện, tỉnh.

Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức, đánh giá, Chương trình OCOP đã góp phần phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của địa phương, thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất hàng hóa. Các chủ thể tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện đã quan tâm nhiều hơn đến an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu,...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức phát triển OCOP từ lợi thế vùng sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO