Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) xác định sản xuất nông nghiệp theo đặc điểm tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy Đức có gần 60.000ha đất nông nghiệp. Địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng ở đây có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp.
Những năm qua, huyện đã tập trung phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh như mắc ca, hồ tiêu, cao su, rau màu, khoai lang, điều, các loại hoa...
Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 17/8/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với thị trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngành Nông nghiệp huyện Tuy Đức đã tích cực tuyên truyền vận động và hỗ trợ người dân đưa các loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của huyện vào sản xuất.
Huyện tập trung triển khai đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn các xã. Ngành Nông nghiệp huyện đã tổ chức rà soát quỹ đất, hướng dẫn các địa phương và các hộ nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả, diện tích đất trồng cao su năng suất thấp và diện tích đất trồng cà phê, hồ tiêu khó khăn về nước tưới để chuyển đổi sang trồng mắc ca.
Trong đó, huyện khuyến khích ưu tiên phát triển trồng mắc ca tại 4 xã có độ thích nghi cao gồm Quảng Trực, Đắk Búk So, Quảng Tâm, Đắk R'tíh.
Đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 3.600ha mắc ca. Bước đầu, huyện hình thành được vùng chuyên canh sản xuất mắc ca quy mô lớn trên địa bàn xã Quảng Trực, với diện tích trên 1.000ha.
Bên cạnh phát triển cây mắc ca, huyện cũng định hướng phát triển cây điều trên địa bàn xã Đắk Ngo. Trong đó, huyện tuyên truyền, hướng dẫn nông dân dần chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng mì, các khu vực đất dốc, tầng đất mỏng, khó khăn về nước tưới sang trồng cây điều ghép. Đến nay, huyện đã phát triển được trên 8.640ha điều trên địa bàn xã Đắk Ngo.
Toàn huyện hiện đã có trên 11% diện tích canh tác rau, hoa được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Khoảng 57% diện tích cà phê của huyện được chuyển đổi sang giống mới có năng suất, chất lượng cao, với các giống như TRS1, TR4, TR9, xanh lùn, cà phê dây.
Huyện Tuy Đức đã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nông dân. Nổi bật với các mô hình như: sản xuất dưa lưới trong nhà kính; trồng hồ tiêu, nhãn, sầu riêng, mắc ca ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm; sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê; sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh trên cây hồ tiêu, cây ăn trái; trồng thử nghiệm các giống lúa mới Ly 2099, VT404, ST 24; trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều; sản xuất giống khoai Nhật Bản từ cây nuôi cấy mô F1.
Các công nghệ áp dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Tuy Đức chủ yếu gồm: kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà lưới; tưới nước tiết kiệm; áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại...
Công nghệ cao giúp nông dân giảm bớt rủi ro do những tác động tiêu cực của thời tiết đối với sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Phan Thị Khương, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức đánh giá, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu đang tác động tích cực đến nông dân và chuyển biến ngày càng rõ nét.
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất được huyện đẩy mạnh, đem lại những kết quả đáng khích lệ, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Không chỉ góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân mà sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu còn góp phần nâng cao độ che phủ rừng , bảo vệ môi trường sinh thái hiệu quả", bà Khương chia sẻ.