Huyện Tuy Đức đang kêu gọi đầu tư, kết nối để khai thác những tiềm năng, lợi thế về du lịch.
Huyện biên giới Tuy Đức có nhiều rừng, thác, hồ, đồi thông, đồi cỏ trải dài, phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ quanh năm. Huyện có hơn 45 km đường biên giới, cửa khẩu quốc gia Bu P’răng. Cùng với đó, huyện có 23 dân tộc cùng chung sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được huyện quan tâm, một số nghi lễ được phục dựng như: lễ mừng mùa, lễ phát rẫy, lễ sum họp cộng đồng, lễ cắm nêu cúng lúa, lễ cúng mưa đầu mùa... Các lớp học truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, hát dân ca, làm cây nêu và đan lát... được huyện triển khai thường xuyên.
Ngoài ra, huyện còn là vùng sản xuất nông nghiệp có nhiều nông sản đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Huyện có 4 di tích lịch sử được công nhận
Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt).
Các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do Anh hùng N’Trang Lơng lãnh đạo; điểm Đồn Bu Mé ra (Đắk Búk So), bon Bu N’Đơr (Đắk R’tíh) (di tích lịch sử cấp quốc gia);
Bia Henri Maitre; địa điểm chiến thắng đồn Bu P'răng (di tích lịch sử cấp tỉnh).
Tuy Đức là vùng đất có truyền thống cách mạng và bề dày lịch sử. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vừa du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa đặc trưng, tạo ra sản phẩm du lịch riêng của huyện.
Khu du lịch thác Đắk G’lun được xác định là khu vực trọng điểm để phát triển du lịch phía Tây Nam của tỉnh và hỗ trợ tích cực cho việc kết nối tour TP. Hồ Chí Minh – Đà Lạt – Tà Đùng – Đắk G’lun. Để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và "níu chân" du khách, Công ty Thương mại dịch vụ Đại Thành Phát đang đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng và các dịch vụ ăn uống, vui chơi.
Nổi bật sẽ là các dịch vụ cắm trại trong rừng, thể thao dưới nước, câu cá giải trí, chèo thuyền. Sau khi hoàn thành các hạng mục trên, Công ty sẽ tiếp tục xin chủ trương để thực hiện các hạng mục phục vụ các trò chơi thể thao mạo hiểm, đầu tư khai thác tuyến cáp treo quanh khu vực công ty quản lý.
Tính đến thời điểm này, huyện Tuy Đức đã kêu gọi, đầu tư, xây dựng và nâng cấp một số công trình, hạng mục tại điểm du lịch sinh thái thác Đắk G’lun (xã Quảng Tâm), điểm di tích lịch sử cấp quốc gia về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do Anh hùng N’Trang Lơng lãnh đạo (Đồn Bu Mera xã Đắk Búk So).
Huyện Tuy Đức đề xuất tỉnh bổ sung quy hoạch tích hợp một số thác, hồ, rừng thông có khả năng khai thác du lịch để đầu tư và khai thác hiệu quả trong thời gian tới. Về giao thông, huyện đề xuất ưu tiên vốn đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông tỉnh lộ 1, tỉnh lộ 6, quốc lộ 14C đi cửa khẩu Bu P’răng, một số tuyến đường liên huyện được thông suốt phục vụ kết nối tour chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng phương án quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào các điểm du lịch sinh thái như: thác Đắk Búk So (Thác Đắk Búk So - Du lịch sinh thái rừng thông Đắk Búk So); Cụm du lịch hồ Doãn Văn (Du lịch sinh thái cộng đồng hồ Doãn Văn, hồ Đắk BLieng, làng văn hóa bon Bu N’Đơr).
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể về du lịch của tỉnh Đắk Nông, trước mắt, huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư, nâng cấp điểm du lịch sinh thái thác Đắk G’lun tạo thành điểm du lịch có thể liên kết trong tổng thể tour, tuyến du lịch sinh thái, văn hóa của tỉnh. Huyện đang rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Địa phương khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nguồn lực tham gia đầu tư phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của huyện.
Đồng thời, huyện tranh thủ các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia... để kết hợp đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng du lịch và tổ chức vận hành các mô hình du lịch cộng đồng. Các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có kết hợp với du lịch tại cơ sở.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn vốn để tôn tạo, bảo vệ, nâng cấp một số công trình văn hóa lịch sử, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin.
Những tháng đầu năm 2022, việc thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng tại huyện Tuy Đức đã tăng đột biến. Đặc biệt trong dịp nghĩ lễ 30/4 và 1/5, huyện thu hút hơn 4.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
Cùng với đó, huyện quan tâm kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch đặc biệt cấp huyện. Ngành chức năng huyện tập trung xây dựng và vận hành các mô hình du lịch cộng đồng thí điểm và mở rộng để hình thành các sản phẩm du lịch.
Huyện ưu tiên đầu tư và kêu gọi đầu tư các điểm du lịch có nhiều tiềm năng, đầu tư hệ thống giao thông để kết nối tour chung của tỉnh. Đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch có tính đặc thù cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút du khách đến với Tuy Đức. Huyện đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng
Ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức