Tuy Đức phát huy các giá trị di tích lịch sử

Nhóm PV| 20/12/2022 14:56

Huyện Tuy Đức, hiện có 4 di tích lịch sử được công nhận, xếp hạng. Các di tích không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống mà còn là điều kiện thuận lợi để huyện kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa đặc trưng.

ADQuảng cáo

Bốn di tích lịch sử trên địa bàn huyện Tuy Đức được công nhận, xếp hạng gồm: Bia Henri Maitre (xã Đắk Búk So); địa điểm chiến thắng đồn Bu P'răng, xã Quảng Trực (di tích lịch sử cấp tỉnh); các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do Anh hùng N’Trang Lơng lãnh đạo; điểm đồn Bu Mê ra, xã Đắk Búk So, bon Bu N’Đơr, xã Đắk R’tíh (di tích lịch sử cấp quốc gia); Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Quảng Trực (di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt).

Bia tưởng niệm về Phong trào khởi nghĩa N'Trang Lơng được xây dựng tại thôn 8 xã Đắk Búk So

Để phát huy giá trị của các di tích lịch sử này, UBND huyện đã phối hợp điều tra, khảo sát lập hồ sơ khoa học các di tích. Tuy Đức xây dựng hoàn thiện sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh và khai thác, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để phục vụ du lịch.

Địa phương hiện đang tu bổ, chỉnh trang để mỗi di tích là một điểm tham quan có cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Cụ thể, Di tích lịch sử Bia Henri Maitre ở xã Đắk Búk So đã khoanh vùng bảo vệ với diện tích là 200m2. Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng đồn Bu P’răng, xã Quảng Trực được đầu tư kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm ghi danh các anh hùng liệt sĩ.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, bằng hình thức xã hội hóa và nguồn ngân sách, huyện Tuy Đức cũng đã xây dựng Công trình hoa viên và Nhà tưởng niệm Anh hùng N’Trang Lơng có tổng diện tích hơn 11.000m2 (thôn 3, xã Đắk Búk So). Công trình này mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và huyện Tuy Đức nói riêng đối với Anh hùng dân tộc N’Trang Lơng.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tuy Đức đề xuất đưa vào vốn trung hạn thuộc các chương trình mục tiêu Quốc gia hơn 10 tỷ đồng để đầu tư, tôn tạo, nâng cấp 2 công trình là di tích cấp tỉnh

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tuy Đức cho biết: "Giai đoạn 2023 – 2025, huyện đã có kế hoạch ưu tiên dành 1 phần kinh phí để tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang làm sao mỗi di tích là một điểm tham quan với cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân về vai trò, vị trí và trách nhiệm đối với các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Đi đối với đó, việc tăng cường quảng bá hình ảnh, lợi thế, tiềm năng của địa phương thông qua nền tảng số, trang mạng xã hội… để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Tuy Đức được chú trọng. Giai đoạn 2021 – 2025, huyện đã đề xuất đưa vào vốn trung hạn thuộc các chương trình mục tiêu Quốc gia với hơn 10 tỷ đồng để đầu tư, tôn tạo, nâng cấp 2 công trình di tích cấp tỉnh là địa điểm chiến thắng Đồn Bu P'răng và Bia Henri Maitre (đang chờ tỉnh phê duyệt)".

Theo UBND huyện Tuy Đức hiện nay, huyện gặp không ít khó khăn như cơ sở hạ tầng yếu kém, nhà đầu tư gặp khó trong huy động vốn, nhu cầu du lịch có xu hướng giảm... Hệ thống giao thông đến các điểm du lịch, di tích lịch sử chưa được đầu tư nâng cấp, sản phẩm du lịch không có, sản phẩm về tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chưa được đầu tư. Do đó, trước mắt, huyện tiếp tục phát huy giá trị di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do Anh hùng N’Trang Lơng lãnh đạo. Cùng với việc phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống các dân tộc, huyện sẽ tập trung vào các lễ hội có quy mô lớn, mang tính chất cộng đồng cao. Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa và Thể thao các dân tộc, kết hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí quảng bá tuyên truyền nhằm thu hút khách du lịch đến tham gia cũng được chú trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức phát huy các giá trị di tích lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO