Nông nghiệp - Nông thôn

Tuy Đức nỗ lực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Bảo Ngọc 17/09/2023 10:47

Từ khi thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (gọi tắt là Chương trình), huyện Tuy Đức đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn và tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

ADQuảng cáo

Xác định nhiệm vụ trọng tâm

Trong 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới), UBND huyện Tuy Đức đều xác định được tầm quan trọng để tăng cường nguồn lực trong quá trình xây dựng, phát triển địa phương. Tuy nhiên, trong đó Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐB DTTS & MN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đây là Chương trình mới, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh còn chưa kịp thời... Do vậy, chính quyền địa phương càng phải có sự nỗ lực và xác định nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện.

Huyện Tuy Đức đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện giai đoạn 2021-2025 để chỉ đạo, quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia. Các tổ công tác tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo trong việc quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia cũng được thành lập. Huyện chỉ đạo các xã thành lập và kiện toàn Ban quản lý CTMTQG cấp xã, ban giám sát cộng đồng, ban phát triển thôn đảm bảo năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả, 6/6 xã đã kiện toàn Ban quản lý CTMTQG cấp xã; 6/6 xã đã thành lập Ban giám sát cộng đồng; 73/73 thôn, bon, bản thành lập ban phát triển thôn.

UBND huyện đã chỉ đạo 3 đơn vị chủ trì chương trình tổ chức triển khai lập kế hoạch, hướng dẫn cho các đơn vị và UBND cấp xã để rà soát, đăng ký nhu cầu thực hiện, tổng hợp kế hoạch trình Huyện ủy, HĐND huyện cho ý kiến trước khi gửi UBND tỉnh, các sở ngành liên quan để tổng hợp trước khi trình HĐND ban hành các Nghị quyết để triển khai thực hiện.

Sau khi HĐND huyện ban hành các Nghị quyết về giao mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện, UBND tiến hành phân bổ, giao dự toán hàng năm cho các cơ quan, đơn vị và UBND các xã để triển khai thực hiện. Bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách tỉnh bố trí đối ứng, địa phương đã chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng để đảm bảo thực hiện các Chương trình giai đoạn 2021-2025 và hàng năm (năm 2022, 2023)…

z4685675960776_712faf6eff67ed7d49e6e0cbf4fda856(1).jpg
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong đồng bào DTTS và miền núi tại xã Đắk Ngo

Tín hiệu tích cực

Sau gần 2 năm nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình, đến nay, huyện Tuy Đức đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Nhiều dự án, tiểu dự án bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao mức sống.

Cụ thể, Dự án 1 Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt (phân tán và tập trung), trong năm 2022, UBND huyện đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng (nhà ở là 49 hộ, đất ở là 40 hộ, đất sản xuất là 62 hộ). Đến thời điểm hiện nay, đã triển khai xây dựng xong 29/49 căn nhà ở hỗ trợ đất ở và đất sản xuất đang triển khai thực hiện.

ADQuảng cáo

Thực hiện Quyết định số 515/QĐ-UBND, ngày 21/4/2023 của UBND tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư (UBND xã Quảng Trực) triển khai thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa công trình nước sạch tập trung bon Bu Prăng 1 với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng.

Đối với Dự án 2 Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, tổng kế hoạch vốn được giao năm 2022-2023 là hơn 44 tỷ (năm 2023). Nguồn vốn này để thực hiện 2 Dự án Ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn xã Quảng Tân và xã Quảng Tâm. Tuy nhiên, các công trình trên địa bàn xã Quảng Tâm còn gặp khó khăn, vướng mắc do nằm trong vùng quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản bô xit, quy hoạch 3 loại rừng. Do đó, UBND huyện đang đề xuất, chuyển hết nguồn vốn sang để thực hiện dự án tại xã Quảng Tân.

sequence-46.00_04_31_09.still083(1).jpg
Công trình nước sạch tập trung bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực được sửa chữa với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng.

Về Dự án 4 Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, tổng kế hoạch vốn được giao năm 2022-2023 là hơn 43 tỷ đồng (trong đó: năm 2022 là 17.861 triệu đồng; năm 2023 là 25.167 triệu đồng). Nguồn vốn để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, giáo dục, thủy lợi...

Trong năm 2022, huyện đã triển khai thực hiện 14 công trình; gồm 10 công trình giao thông, 1 công trình giáo dục, 1 công trình thương mại, duy tu, sửa chữa 2 công trình. Năm 2023, huyện đang triển khai thực hiện mở mới 11 công trình; gồm 7 công trình giao thông, 3 công trình giáo dục, 1 công trình thủy lợi và bố trí cho các công trình đang triển khai thực hiện năm 2022. Hiện nay đang triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn 8/11 công trình, đang tiến hành lập, trình thẩm định và phê duyệt, giao kế hoạch vốn chi tiết 3/11 công trình. Kết quả giải ngân của dự án này năm 2022-2023 là hơn 23,4 tỷ đồng, đạt 54,19% kế hoạch.

minh-3-copy(1).jpg
Đồ họa: Q.S

Tiếp tục khắc phục khó khăn và thực hiện tốt Chương trình

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tuy Đức, quá trình thực hiện Chương trình vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Chương trình có nội dung rộng, quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền trách nhiệm quản lý của nhiều ngành, dẫn đến những vấn đề phát sinh về quy định, nội dung hướng dẫn thiếu đồng bộ. Một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần văn bản quy định, hướng dẫn ban hành còn chậm, chưa kịp thời, mới ban hành đã phải điều chỉnh, bổ sung, thậm chí một số nội dung hiện nay chưa có văn bản quy định, hướng dẫn.

Một số cơ chế chính sách ban hành còn chung chung, chưa cụ thể, chưa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo nội dung của một số chính sách. Việc bố trí, phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình còn theo từng năm, gây khó khăn trong xây dựng kế hoạch trung hạn. Việc Trung ương và tỉnh phân bổ kế hoạch vốn chi tiết cho từng dự án, tiểu dự án của chương trình gây khó khăn cho địa phương trong việc phân bổ dự toán (như dự án, tiểu dự án có nhu cầu vốn nhiều nhưng lại phân bổ ít và ngược lại)…

Trong thời gian tới, Tuy Đức tiếp tục phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS được tăng cường, nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của của toàn xã hội trong việc thực hiện các Chương trình MTQG. Công tác chỉ đạo sự phối hợp giữa các phòng, ban liên quan và UBND các xã trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG tiếp tục được chú trọng.

Các phòng, ban, UBND xã kịp thời rà soát tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao. Bên cạnh đó, huyện tích cực chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện và kịp thời, giao mục tiêu tiêu nhiệm vụ Chương trình cho các cơ quan, đơn vị phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, chủ động bố trí ngân sách địa phương đối ứng thực hiện Chương trình theo quy định của Trung ương và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh. Công tác phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở được đẩy mạnh nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của xã, thị trấn trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

ADQuảng cáo
Theo bài viết
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức nỗ lực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO