Tuy Đức nỗ lực thực hiện chương trình MTQG
Tuy Đức là một trong hai huyện 30a của tỉnh Đắk Nông đang được Trung ương và tỉnh hỗ trợ nhiều chính sách giúp người dân.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình 1719) là một trong những chính sách hỗ trợ đang mang lại hiệu quả…
Nỗ lực cải thiện cuộc sống cho đồng bào DTTS
Ngoài việc đầu tư mở rộng, nâng cấp trường học, từ nguồn vốn của Chương trình 1719, xã Quảng Trực đã đầu tư tu sửa 2 nhà văn hóa với tổng kinh phí 723 triệu đồng. Các thiết chế văn hóa được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023 bảo đảm cho việc sinh hoạt, hội họp của người dân địa phương. Địa phương cũng đã nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại bon Bu Prăng 1 phục vụ cho hơn 84 hộ dân trong bon.
Theo ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực (Tuy Đức), giai đoạn 2021-2025, xã Quảng Trực được bố trí khoảng 48 tỷ đồng vốn từ 3 chương trình MTQG. Ngoài thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xã lồng ghép các nguồn lực, ưu tiên đầu tư 22 dự án xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là hạ tầng giao thông, giáo dục… "Chương trình 1719 tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc", ông Thuận nhận định.
Huyện Tuy Đức có 6 xã với 34 bon, 33 thôn và 6 bản. Tuy nhiên, trong đó có tới 5 xã, 50 thôn, bon, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Đồng bào DTTS chiếm trên 44% dân số toàn huyện với đặc thù dân cư sống rải rác, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trong 2 năm 2022 và 2023, thực hiện Chương trình 1719, huyện Tuy Đức đã hỗ trợ đất ở cho 51 hộ (44 triệu đồng/hộ); nhà ở cho 110 hộ (44 triệu đồng/hộ); đất sản xuất cho 122 hộ (22,5 triệu đồng/hộ). Huyện chuyển đổi nghề nghiệp cho 70 hộ (10 triệu đồng/hộ); hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 304 hộ (3 triệu đồng/hộ). Về chính sách tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 50 hộ được vay hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi nghề với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn chương trình, toàn huyện đã trao cho 143 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã Quảng Tâm, Quảng Trực và Đắk Búk So giống gia súc để chăn nuôi (35 con trâu và 108 con bò giống), với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Tất cả gia súc đều được tiêm phòng đầy đủ và bảo đảm sinh trưởng tốt. Địa phương tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về xây dựng chuồng trại, chăn nuôi, chăm sóc, chế biến thức ăn, phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại…
Riêng năm 2023, thực hiện Chương trình 1719 với các tiểu dự án, huyện Tuy Đức triển khai thực hiện mở mới 11 công trình trong đó có 1 công trình thủy lợi, 3 công trình giáo dục, 7 công trình giao thông cùng các công trình đang triển khai thực hiện năm 2022.
Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư
Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn đầu tư chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 296 tỷ đồng. Số danh mục công trình, dự án đầu tư cả giai đoạn là 54 công trình; trong đó có 24 công trình, dự án áp dụng cơ chế đặc thù.
Lồng ghép nguồn vốn với một số chương trình, dự án khác, huyện Tuy Đức đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình giao thông, kênh mương nội đồng, trường học… phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, học tập của Nhân dân. Các dự án được thực hiện bước đầu góp phần tạo động lực cho đồng bào DTTS phát huy nội lực, tin tưởng vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Giai đoạn 2022 – 2023, tổng kế hoạch giao thực hiện chương trình tại Tuy Đức là hơn 156 tỷ đồng, với 33 công trình đã thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt. Theo báo cáo của UBND huyện Tuy Đức, qua 2 năm triển khai Chương trình 1719, huyện đã đạt và vượt một số chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó có 1 số dự án đã thực hiện giải ngân vốn 100%. Đến hết tháng 2/2024, các đơn vị, địa phương được giao vốn đã triển khai hoạt động và giải ngân gần 90 tỷ đồng, đạt trên 57% kế hoạch vốn giao. Việc triển khai hỗ trợ đầu tư bảo đảm đúng dự án, trúng đối tượng thụ hưởng.
Một số dự án đạt 100% kế hoạch như Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em…
Riêng đối với Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc, tổng vốn kế hoạch giao năm 2022 - 2023 là hơn 43 tỷ đồng. Đến nay đã thực hiện được trên 85%. Trong đó, năm 2022 đạt trên 98%; năm 2023 đạt gần 75%.
Theo ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, địa phương đang tập trung, tăng tốc thực hiện các mục tiêu của chương trình. Huyện đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 4% trở lên, phấn đấu giảm khoảng 5% tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho nhóm cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương thực hiện cơ chế đặc thù, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, nông cụ, con giống…
Năm 2024, huyện Tuy Đức đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bon, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa 34 công trình giao thông (17 công trình chuyển tiếp, 17 công trình mở mới), 4 công trình giáo dục, 1 công trình thương mại, 1 công trình thủy lợi…
Ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức