Tuy Đức nỗ lực rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục

28/01/2022 08:16

Với tinh thần khắc phục mọi khó khăn, thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Tuy Đức đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Mục tiêu mà huyện đặt ra là rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các trường vùng khó khăn và vùng thuận lợi hơn.

ADQuảng cáo

Giúp học sinh đến trường thuận lợi hơn

Nếu các trường ở vùng thuận lợi tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đại trà thì các trường ở vùng khó khăn như ở xã Đắk Ngo phải tìm mọi cách để học sinh có thể đến trường.

Cô giáo Vũ Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Đắk Ngo chia sẻ: “Nhiều em nhà ở cách trường đến hơn 20 km, phải đi bộ vì bố mẹ còn bận mưu sinh; nhiều em ở lại buổi trưa không có cơm ăn hoặc ăn tạm bợ qua bữa, nên vì vậy mà nghỉ học. Trường đã đứng ra kêu gọi, vận động và nhận được sự đồng tình của phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên nên tổ chức một bếp ăn bán trú. Kinh phí đóng góp cho các bữa ăn không nhiều nhưng đã giúp cho hành trình đến trường của học sinh được thuận lợi hơn”.

Trường mầm non Hoa Ban tranh thủ "giờ vàng" tổ chức cho trẻ đến trường

Trường mầm non Hoa Ban ở xã Đắk Ngo hiện có một điểm chính và 5 điểm lẻ. Với tấm lòng vì trẻ em, trường đã tổ chức được một bếp ăn ở điểm chính, còn các điểm lẻ thì tổ chức các bếp ăn bán trú dân nuôi. Bằng mọi hình thức, trường giúp trẻ được ở lại trường để có thể học cả ngày.

Cô giáo Phạm Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Ban chia sẻ: “Để nâng cao được chất lượng giáo dục thì trước hết phải làm sao cho trẻ có thể đến trường đều, không nghỉ học. Giáo viên mầm non đã vất vả, giáo viên ở các vùng sâu vùng xa, nhất là ở các điểm trường càng vất vả hơn. Năm nay do dịch bệnh nghỉ học nhiều, nên khi có điều kiện đi học lại toàn thể cán bộ, giáo viên đều cố gắng giúp trẻ theo kịp chương trình. Cán bộ, giáo viên vừa là người dạy, người quản lý và cũng là người xuống bếp nấu ăn cho trẻ mỗi bữa. Ở các điểm trường, giáo viên ở lại buổi trưa trông trẻ dù không được chi trả thêm kinh phí vì phụ huynh quá khó khăn”.

Phát huy nội lực

Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Đắk Búk So hiện có gần 500 học sinh các khối, lớp. Tranh thủ thời gian học sinh nghỉ học tập trung để phòng, chống dịch, trường phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất, tiến tới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Từ chỗ chỉ có các dãy phòng học cấp 4, đến nay trường đã có 17 phòng học kiên cố, cao tầng. Cùng với quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường phấn đấu phát huy nội lực để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngay từ đầu mỗi năm học, trường tổ chức cho các đoàn thể, ban đại diện phụ huynh học sinh ký cam kết thi đua xây dựng môi trường “xanh-sạch-đẹp-an toàn”. Các khối lớp tổ chức bàn giao chất lượng đầu năm học, kịp thời khắc phục những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Trường THCS Đắk Búk So từng bước được hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh

ADQuảng cáo

Thầy giáo Lê Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu chia sẻ: “Việc xây dựng được một tập thể đoàn kết và không ngừng học hỏi chính là tiền đề để triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra. Trường hiện có 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên đều đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Tính đến nay toàn trường đã có 5 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 4 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh".

Trường THCS Đắk Búk So ở xã Đắk Búk So là một trong những đơn vị dẫn đầu chất lượng bậc học của huyện. Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trường phải tổ chức cho học sinh học online.

Nhờ có bếp ăn bán trú nên nhiều học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đã đi học đều hơn, hạn chế tình trạng bỏ học

Thầy giáo Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng THCS Đắk Búk So cho biết: “Trường luôn bám sát sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT, ngành Y tế để triển khai các hoạt động giáo dục, bằng việc linh động, thích ứng triển khai các phương án dạy học như trực tiếp, online, trực tuyến... Vì thuộc vùng khó khăn, nhiều học sinh không có điều kiện học online, giáo viên tập trung phát phiếu bài tập, giao bài để học sinh ôn tập ở nhà".

Chuyển biến rõ rệt

Theo ông  Phan Quốc Trọng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức, toàn huyện hiện có 36 trường học các cấp, trong đó có 6 trường tư thục. Cùng với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép là vừa tổ chức hoạt động giáo dục vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, toàn huyện tập trung triển khai các mục tiêu lớn như đổi mới giáo dục toàn diện, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới…

Trường tiểu học La Văn Cầu được chú trọng đầu tư để phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2

Tùy điều kiện từng vùng, các trường triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phù hợp. Các trường ở vùng khó khăn chú trọng duy trì sĩ số, giúp học sinh đến trường đều đặn hơn bằng việc có những giải pháp phù hợp như dạy kèm, phụ đạo, tổ chức bếp ăn cho học sinh. Các trường vùng có điều kiện hơn tập trung đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng mũi nhọn.

Với mục tiêu rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các trường, ngành Giáo dục chú trọng triển khai song hành các giải pháp phù hợp nhằm phát huy cao nhất nội lực của từng đơn vị. Nhờ đó, hoạt động giáo dục của huyện những năm gần đây đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 90%. Hằng năm, huyện có hàng chục giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua huyện đã xây dựng được 6 trường chuẩn quốc gia. Bình quân mỗi năm, huyện phấn đấu xây dựng thêm 1 trường đạt đạt chuẩn quốc gia để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức nỗ lực rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO