Kinh tế

Tuy Đức nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nhờ chế biến sâu

Hưng Nguyên 18/04/2023 05:00

Thời gian qua, nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tuy Đức đã đầu tư máy móc chế biến nông sản, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá. Đây được xem là hướng phát triển phù hợp để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho nông sản địa phương.

ADQuảng cáo
macca3-1-.jpg
Chế biến nông sản giúp tăng giá trị, tìm kiếm đầu ra, kết nối tiêu thụ thuận lợi

Sản xuất nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân huyện Tuy Đức. Toàn huyện có hơn 62.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 54% đất tự nhiên.

Thời gian qua, huyện Tuy Đức đã hình thành được một số vùng nguyên liệu quy mô lớn như mắc ca, khoai lang, rau củ... Tuy Đức ngày càng chuẩn hoá về quy trình sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ.

Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ nội bộ. Sản phẩm phần lớn được bán thô, chất lượng chưa cao...

Trước thực trạng này, huyện đã định hướng ngành Nông nghiệp phát triển theo quy mô hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung chế biến sâu...

Thời gian gần đây, nhiều nông dân, HTX trên địa bàn huyện đã đầu tư mua sắm máy móc phục vụ chế biến, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đặc trưng của địa phương.

Năm 2019, sau khi liên kết với các hộ sản xuất mắc ca tại địa phương để hình thành vùng nguyên liệu, chị Tôn Nữ Ngọc Như, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đã đầu tư hơn 500 triệu đồng mua máy sấy, máy tách hạt để chế biến mắc ca.

Chị Như cho biết, hiện nay, mỗi năm, chị chế biến khoảng 20 tấn mắc ca sấy. Chị còn đầu tư mẫu mã, tìm hiểu cách tuyển lựa nguyên liệu chất lượng để chế biến, đóng gói nhằm tối ưu giá trị.

ADQuảng cáo

"Chế biến đã giúp tôi tăng giá trị mắc ca lên từ 20 - 35%. Sản phẩm mắc ca qua chế biến của tôi đã trở thành sản phẩm OCOP hạng 3 sao", chị Như cho biết. 

macca2-1-.jpg
Mắc ca qua chế biến, đóng gói sẽ thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường, kết nối tiêu thụ

Tương tự, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực đã hình thành vùng nguyên liệu 230 ha mắc ca. HTX đã đầu tư máy sấy, máy tách vỏ để chế biến mắc ca.

Mỗi năm, HTX chế biến hơn 30 tấn mắc ca sấy, sau đó đóng gói, bán ra thị trường. Giá trị sản phẩm mắc ca sau chế biến tăng từ 20 - 25%. Năm 2020, sản phẩm "Mắc ca M’nông" của HTX được công nhận OCOP hạng 3 sao.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HTX cho biết, chế biến không chỉ nâng giá trị sản phẩm mà còn từng bước gây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Từ đây, sản phẩm sẽ tìm kiếm được chỗ đứng trên thị trường.

Huyện Tuy Đức có 36 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản.  Các sản phẩm chế biến của huyện đã bước đầu xây dựng được hình ảnh, thương hiệu. Huyện đã có 5 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao. Một số sản phẩm chế biến của huyện được quan tâm và đánh giá cao trên thị trường.

Qua đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, khâu chế biến đã giúp nâng cao giá trí nhiều sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến của huyện còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ; máy móc, thiết bị chưa hiện đại; công nghệ chưa đồng bộ...

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, với rất nhiều tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Huyện đang thực hiện các chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư vào khâu chế biến nông sản.

Trong đó, huyện ưu tiên phát triển theo hướng chế biến tinh, sâu các sản phẩm chủ lực như mắc ca, khoai lang, hạt điều, hồ tiêu, cà phê, rau quả...

Huyện cũng quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản để phát triển thị trường. Từ đó, giúp sản phẩm nông nghiệp của địa phương tiêu thụ tốt hơn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nhờ chế biến sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO