Tuy Đức chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Nguyễn Lương| 19/06/2014 11:45

Việc triển khai tiêm phòng đúng thời gian quy định, vận động bà con giữ vệ sinh chuồng trại, thực hiện các khâu chăm sóc hợp lý cho đàn vật nuôi… là những biện pháp đã, đang được ngành Thú y huyện Tuy Đức triển khai khá hiệu quả, qua đó, góp phần hạn chế các loại bệnh xuất hiện, lây lan, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi tại địa phương phát triển ổn định.

ADQuảng cáo

Vừa qua, hơn 15 con heo của gia đình chị Lương Thị Thi, ở thôn 3, xã Đắk R’tíh đã được cán bộ thú y xã tiêm phòng đầy đủ. Gia đình chị còn được xã cấp phát dung dịch khử trùng, vệ sinh chuồng trại để bảo vệ tốt nhất cho vật nuôi.

Khẩu phần ăn luôn được chị Lương Thị Thi chọn lựa cẩn thận, khoa học, góp phần đảm bảo sức khỏe cho đàn heo

Chị Thi cho biết: “Thông thường, nuôi heo gặp khá nhiều rủi ro về dịch bệnh, nhất là trong mùa mưa. Thế nhưng, gia đình tôi lại rất yên tâm để tăng số lượng đàn, vì công tác phòng dịch bệnh luôn được thực hiện đầy đủ. Hàng năm, ngoài việc tiêm phòng, cán bộ thú y còn hướng dẫn gia đình thực hiện đầy đủ các quy trình như vệ sinh chuồng trại, chọn khẩu phần ăn hợp lý, khoa học… để tạo sức đề kháng cho vật nuôi”.

Ông  Phạm Văn Phúc, cán bộ thú y xã Đắk R’tíh cho biết: “Thời điểm đầu mùa mưa, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Nếu không có phương án, kế hoạch chủ động phòng, chống thì dịch bệnh rất dễ xuất hiện và lây lan.  Do vậy, ngay khi vừa có chủ trương của huyện, xã đã triển khai ngay việc tiêm phòng bệnh cho các loại vật nuôi”.

Theo ông Phúc thì chỉ sau một tháng phát động, đến nay, xã đã tiến hành tiêm vắc xin cho gần 400 con gia súc, gia cầm các loại. Cùng với đó, xã đã tích cực vận động người dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại, theo dõi, nắm bắt tình hình vật nuôi của gia đình mình để thông báo thường xuyên cho chính quyền xã, nhằm có biện pháp đối phó kịp thời khi có dịch bệnh xuất hiện. Do vậy, kể từ đầu mùa mưa đến nay, xã chưa để xảy ra trường hợp vật nuôi bị mắc bệnh.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Tương tự, tại địa bàn xã Đắk Búk So, công tác phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đã, đang được địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi người dân. Theo UBND xã Đắk Búk So thì hiện nay, với tình hình thời tiết mưa khá nhiều sẽ là nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, lở mồm long móng...

Điều đáng lo ngại là trong xã, các hộ gia đình chăn nuôi chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ nên việc phòng, chống bệnh cho vật nuôi còn  nhiều hạn chế. Vì thế, để phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm, ngay trong giai đoạn chuyển mùa, cán bộ thú y xã tích cực xuống tận từng thôn, bon để rà soát, kiểm tra số lượng đàn.

Trên cơ sở đó, xã đề nghị lên Trạm Thú y huyện cung cấp các loại vắc xin mùa vụ, cũng như vắc xin bổ sung để tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi.  Đối với những bon, buôn đồng bào dân tộc, xã đặc biệt chú trọng vận động bà con tập trung đàn vật nuôi theo thời gian quy định, để cán bộ thú y tổ chức tiêm phòng và cấp phát thuốc đầy đủ.

Theo Trạm thú y huyện Tuy Đức thì hiện tại, địa phương có hơn 40.000 con gia súc, gia cầm các loại. Xác định việc phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là nhiệm vụ quan trọng, ngay đầu mùa mưa, đơn vị đã phối hợp với chính quyền và cán bộ thú y ở cơ sở tích cực xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm phòng chặt chẽ theo lịch trình cụ thể cho từng xã, thôn, bon.

Đội ngũ cán bộ thú y cơ sở thì có trách nhiệm tiêm phòng các loại vắc xin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả… cho đàn vật nuôi theo đúng quy trình và thời gian tiêm chủng. Trạm đã tiến hành tiêu độc, khử trùng  và cấp phát hơn 416 lít RTD-Iodine cho các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán sản phẩm thịt trên địa bàn. Công tác kiểm dịch động vật, phúc kiểm động vật, hoạt động giết, mổ… luôn được địa phương rất mực chú trọng.

Trạm  thú y huyện cũng luôn khuyến cáo người chăn nuôi nên áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như tăng thêm khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng; thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho cán bộ thú y các xã để có những biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ vậy, hiện nay, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn phát triển rất ổn định, chưa xuất hiện bệnh dịch trên đàn vật nuôi.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO