Tuổi trẻ Đắk Nông cùng cộng đồng phòng chống lừa đảo trên không gian mạng
Tuổi trẻ Đắk Nông tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân nâng cao cảnh giác, có kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết để bảo đảm an toàn trên không gian mạng.
Thủ đoạn tinh vi
Không trực tiếp mất tiền, nhưng ông Đỗ Quốc Văn, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa cảm thấy rất áy náy vì sự bất cẩn, chủ quan của mình khiến người thân quen bị kẻ xấu lừa đảo. Cách đây không lâu, ông Văn bất ngờ nhận được cuộc gọi video từ ứng dụng messenger trên facebook từ người quen nhờ bình chọn cho 1 cuộc thi cắm hoa với tín hiệu rất kém và bị ngắt kết nối đột ngột.
Ông Văn không cảnh giác mà tin tưởng bấm luôn vào đường link bình chọn và phát hiện mình bị lừa khi mất quyền truy cập vào trang facebook cá nhân. Lúc này, đối tượng lừa đảo đã xâm nhập vào tài khoản của ông Văn, ngụy tạo hình ảnh của ông Văn để nhắn tin, gọi video vay tiền 1 loạt bạn bè trên facebook Đỗ Quốc Văn của ông.
Hậu quả là 1 người bạn và 2 người cháu của ông đã tin tưởng, chuyển cho đối tượng số tiền lần lượt từ 1 - 4 triệu đồng. Đáng nói hơn, tên số tài khoản ngân hàng nhận tiền của đối tượng lừa đảo cũng trùng khớp với tên của ông Văn, chỉ khác dãy số và khác ngân hàng.
Ông Văn chia sẻ: Khi có người bị mất tiền vì kẻ xấu mạo danh tôi để lừa đảo, tôi cảm thấy rất sốc, áy náy và ân hận. Sau sự việc, tôi cũng rút được kinh nghiệm không tham gia ấn vào những đường link lạ, có ai mượn tiền phải kiểm chứng cho rõ ràng".
Tương tự, tháng 6 vừa qua, ông Đỗ Thanh Bình, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa từng bị kẻ gian giả danh con trai để lừa đảo. Theo đó, đối tượng đã dùng facebook con trai ông nhắn tin, gọi video đề nghị ông chuyển cho số tiền 13 triệu đồng đóng học phí. Tin tưởng, ông Bình đã đến ngân hàng để làm thủ tục chuyển tiền đóng học phí cho con. May mắn, khi chuyển tiền, ông Bình đã được cán bộ ngân hàng kịp thời ngăn cản, cảnh báo ông xác minh, làm rõ với con trai mình vì phát hiện họ tên của người thụ hưởng không trùng khớp với họ của con trai ông.
Mỗi bạn trẻ là một "tuyên truyền viên"
Trước tình hình phức tạp tội phạm lừa đảo qua không gian mạng, tuổi trẻ phường Nghĩa Tân đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo lừa đảo cho người dân. Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tích cực tuyên truyền tại cơ sở, kết hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Các ĐVTN bám sát địa bàn, thành lập các nhóm đến trực tiếp tuyên truyền, nâng cao cảnh giác, giúp người dân nhận diện được các nguy cơ, chiêu thức lừa đảo mới.
Chị Hà Thị Dương, Bí thư Đoàn phường Nghĩa Tân cho biết: "Đoàn phường thường xuyên huy động ĐVTN tham gia tuyên truyền, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng cho người dân nhất là người dân tại các khu xa trung tâm, cụm dân cư có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi đây là những nơi mà người dân ít được tiếp cận thông tin về không gian mạng. ĐVTN thường xuyên cập nhật, thông tin tuyên truyền trên các kênh zalo, facebook về những chiêu trò lừa đảo mới cho người dùng mạng xã hội biết, cảnh giác và từ đó tuyên truyền đến mọi người xung quanh một cách hiệu quả hơn".
Không chỉ phường Nghĩa Tân, thời gian qua, các cấp bộ đoàn tỉnh Đắk Nông tập trung tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng bảo vệ an toàn thông tin mạng cho chính ĐVTN. Từ đó, mỗi bạn trẻ có thêm kiến thức và trở thành những "tuyên truyền viên" hướng dẫn người dân trang bị kỹ năng cơ bản để bảo vệ thông tin cá nhân như: hạn chế chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và sử dụng mật khẩu nhiều lớp...
ĐVTN tuyên truyền, khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật kiến thức về các mối đe dọa trên nền tảng số, kết nối và tham gia vào các nhóm zalo, trang mạng xã hội chính thống để kịp thời nắm bắt và phản ánh những thông tin mới nhất liên quan đến lừa đảo trực tuyến.
Ông Đỗ Thanh Bình, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân bày tỏ: "Người dân chúng tôi chỉ lo lao động sản xuất, không biết đến những chuyện lừa đảo trên mạng nên không có sự cảnh giác nào. Các cháu thanh niên đến tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho bà con chúng tôi thế này là cần thiết để cho mọi người nâng cao cảnh giác chứ nhiều người cũng chưa hiểu biết hết được các thủ đoạn, cách thức lừa đảo của kẻ xấu".
Đẩy mạnh tuyên truyền trên nền tảng số
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nền tảng số, các cấp bộ đoàn, hội toàn tỉnh đã thành lập và quản lý 1 website, 375 trang facebook… Các trang thông tin của tuổi trẻ trên mạng xã hội thường xuyên đăng tải các tin, bài hướng dẫn với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu nhằm cảnh báo người dùng về vấn đề an ninh mạng, các chiêu trò lừa đảo mới.
Tuổi trẻ toàn tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động 271 đội hình, CLB tuyên truyền pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội; duy trì, thực hiện hiệu quả các mô hình trên không gian mạng như: mô hình zalo an ninh, CLB pháp luật…
Toàn tỉnh tổ chức thành lập 71 đội hình tình nguyện “Chuyển đổi số cộng đồng”, “Tổ công nghệ số cộng đồng” với 2.000 thanh niên tham gia; hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến… Thời gian qua, ĐVTN đã vận động, cài đặt và hướng dẫn cho trên 30.000 người dân; tuyên truyền đến 42.450 hộ dân về các hoạt động chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng lực số cho người dân.
Các hoạt động tuyên truyền phòng chống lừa đảo trên không gian mạng của ĐVTN Đắk Nông thể hiện tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc bảo vệ cộng đồng trước những mối nguy từ không gian mạng. Các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, nâng cao sự cảnh giác của người dân trước những hành vi lừa đảo trực tuyến, để mỗi người tự xây dựng “lá chắn” bảo vệ mình và người thân trên không gian mạng.