Tưới nước đúng cách góp phần phát triển cà phê bền vững

Trần Lê| 25/03/2020 08:56

Sử dụng nguồn nước để tưới đúng kỹ thuật không chỉ góp phần tiết kiệm nước mà còn nâng cao năng suất cho cây cà phê. Thế nhưng, hiện nay hầu hết người dân vẫn chưa mấy quan tâm đến vấn đề này.

Cà phê là loại cây trồng có diện tích đứng đầu trong các loại cây công nghiệp của tỉnh Đắk Nông. Hiện tổng diện tích cà phê đạt trên 130.000 ha, chiếm hơn 1/2 diện tích cây công nghiệp dài ngày. Đây cũng là loại cây trồng cần lượng nước tưới nhiều hơn so với các loại cây khác.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, hình thức tưới nước trực tiếp vào gốc cà phê gây lãng phí nước khá lớn

Đầu tháng 3/2019, nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa đã bắt đầu tưới nước đợt 3 cho cà phê. Nhiều ao hồ, khe suối trên địa bàn mực nước đã giảm thấp. Thế nhưng, hầu hết người dân vẫn giữ thói quen tưới nước cho cà phê một cách lênh láng mà không quan tâm đến việc tiết kiệm nước.

Bà con chủ yếu tưới nước theo kiểu bơm nước lên rồi cho chảy thoải mái vào gốc cà phê. Đến khi bồn gốc cà phê đầy nước, bà con mới chuyển vòi qua cây khác để tiếp tục tưới. Theo ông Phạm Dũng, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), nhiều năm nay, gia đình vẫn tưới nước theo kiểu như vậy. Không chỉ ông, mà rất nhiều người trồng cà phê khác ở Gia Nghĩa cũng giữ thói quen tưới nước theo kiểu đó.

Tại huyện Đắk Mil, nơi có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh, với trên 21.000 ha, hình thức tưới nước lênh láng vào gốc cà phê vẫn còn rất phổ biến. Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil, những năm qua, số hộ dân tưới cà phê bằng hệ thống phun béc hoặc các mô hình tưới tiết kiệm có tăng lên, nhưng còn rất khiêm tốn.

Người dân chủ yếu vẫn giữ thói quen kéo vòi tưới nước trực tiếp vào gốc cà phê. Với tâm lý chung là tưới càng nhiều càng tốt, tưới được đợt nào hay đợt đó, người dân hầu như chưa có khái niệm tưới tiết kiệm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chính nông dân đang làm hao phí nguồn nước, dễ dẫn đến nguy cơ khô hạn cho chính vườn cây của mình.

Việc sử dụng nước tưới chưa hợp lý là thực tế chung toàn tỉnh hiện nay. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, có hai hình thức tưới nước chủ yếu được nông dân áp dụng phổ biến. Thứ nhất, người dân dùng vòi tưới nước trực tiếp vào gốc cà phê (chiếm khoảng 85%). Thứ hai là tưới bằng hệ thống phun béc, tưới tiết kiệm (chỉ khoảng 15%). Bà con thường tưới nước cho cà phê từ 2-5 đợt/năm. Lượng nước tưới cho cà phê vào khoảng 2.500 m3- 2.700 m3/ha/vụ, cao hơn so với mức khuyến cáo của cơ quan chức năng khoảng 650 m3/ha/vụ.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rõ nét đến sự phát triển ngành Nông nghiệp, trong đó cây cà phê là một trong những loại cây chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Cụ thể, do nhiệt độ có xu hướng tăng, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây cà phê đang ở mức báo động.

Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện WASI cho biết, nếu đúng kỹ thuật, lượng nước tưới cho cà phê chỉ cần từ 340-400 lít/cây/lần. Nếu tưới mức như vậy, nông dân có thể tiết kiệm được hơn 50% lượng nước. Khi tưới lượng nước vừa đủ theo đúng quy cách, quá trình sinh trưởng của cây cà phê sẽ cho trái nhiều hơn. Nếu có lượng nước phù hợp, cây cà phê sẽ hấp thụ các dưỡng chất từ đất tốt hơn, nên năng suất sẽ cao hơn. Đặc biệt, tưới nước vừa đủ sẽ giúp người dân giảm đáng kể lượng phân bón do không bị nước dư thừa cuốn trôi.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/tuoi-nuoc-dung-cach-gop-phan-phat-trien-ca-phe-ben-vung-78657.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/tuoi-nuoc-dung-cach-gop-phan-phat-trien-ca-phe-ben-vung-78657.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tưới nước đúng cách góp phần phát triển cà phê bền vững
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO