Chính trị

Từng bước xóa các “vùng lõm” cho Tây Nguyên

Đức Diệu 14/07/2023 - 07:39

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", là "nóc nhà của Đông Dương".

ADQuảng cáo

Vùng đất huyền thoại

Tây Nguyên được biết đến là một vùng đất huyền thoại; nơi sinh sống của gần 6 triệu người thuộc tất cả 54 dân tộc anh em cả nước, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng; lâu đời và đông nhất là đồng bào Ê đê, M'nông, Giarai, Bana....

do-hoa-tbt-bai-ducdieu.jpg

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng rất kiên cường, một lòng theo Đảng trong suốt chiều dài giữ nước và dựng nước.

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đó, ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng đất Tây Nguyên. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, và giữa vùng với cả nước.

Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 tăng hơn 14 lần so với năm 2002 và 3,1 lần so với năm 2010.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm. Tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần so với năm 2002.

Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

Vẫn còn những “vùng lõm”

Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, Bộ Chính trị đánh giá Tây Nguyên hiện vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức lớn với nhiều "vùng lõm" so với các vùng trong cả nước.

Những “vũng lõm” dễ nhận thấy hiện nay đó là hạ tầng giao thông thiếu và yếu, tính liên kết vùng còn thấp. Khả năng tiếp cận các thành tựu phát triển ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế…

Trong nội tại, Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao. Khoảng cách giàu, nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp.

Đặc biệt, tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp. Dẫn đến áp lực về giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Với thế mạnh về diện tích rừng tự nhiên lớn, nhưng hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng ở Tây Nguyên đang giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra. Rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng. Chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất cả nước. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp…. Đây chính là những “vùng lõm” mà Bộ Chính trị đã đánh giá và nhận diện.

Phát triển nhanh, bền vững

Trên cơ sở kết quả đạt được cũng như những hạn chế chỉ ra, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23- NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài tính kế thừa, phát huy từ Nghị quyết số 10-NQ/TW, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị được xem là sự quyết tâm của Đảng về phát triển vùng Tây Nguyên xứng với vị trí, vai trò chiến lược và tiềm năng, lợi thế vốn có. Đây cũng là Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ chiến lược mới, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển 4 quan điểm của Nghị quyết số 10-NQ/TW thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Đặc biệt, Nghị quyết đã tập trung vào việc xóa các “vùng lõm” ở Tây Nguyên bằng mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực.

info-11-chi-tieu.jpg

Nghị quyết đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của Tây Nguyên đạt khoảng 7 - 7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD. Tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 5,6%; tỉ trọng kinh tế số khoảng 25 - 30% GRDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 37,2 - 40,7%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 50%.

Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1 - 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm…

Mục tiêu của Nghị quyết nhằm từng bước đưa Tây Nguyên thoát khỏi “vùng lõm” của cả nước về đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối vùng, liên vùng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở mục tiêu định hướng chung, Bộ Chính trị yêu cầu các địa phương trong vùng cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, triển khai thực hiện.

Bám sát tinh thần Nghị quyết 23, Tỉnh ủy Đắk Nông cũng đã ban hành Chương trình số 64-CTr/TU triển khai Nghị quyết với những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là điểm mới trong công tác lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần lãnh đạo nhất quán trong Đảng về chiến lược phát triển vùng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương, tăng cường tính liên kết.

6-nhom-nhiem-vu.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước xóa các “vùng lõm” cho Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO