Từ Vĩnh Linh tới Tân Kỳ: Cuộc trường chinh vạn dặm
Vào những năm 1965-1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền nam. Thời kỳ đó, khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa”. Người dân tuyến lửa đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của nhân dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo.
Vào những năm 1965-1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền nam. Thời kỳ đó, khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa”. Người dân tuyến lửa đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của nhân dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo.
Nhận định chiến tranh còn kéo dài, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch K8 (tức triển khai từ tháng 8/1966) và K10 (triển khai tháng 10/1967) nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, giảm mật độ dân số ở tuyến lửa, đồng thời “gìn giữ lực lượng và nòi giống”, bảo đảm cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc.
Thực hiện kế hoạch, hàng vạn đồng bào Vĩnh Linh đã được chuyển ra các tỉnh phía bắc, bao gồm các huyện từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và đến các địa phương xa hơn như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định. Hơn cả tầm của một cuộc sơ tán, hành trình của những người dân từ tuyến lửa ra vùng hậu phương đã trở thành một cuộc thiên di chưa từng có trong lịch sử. Trong cuốn sách “Thép từ ngàn độ lửa”, tập hợp những bài viết, câu chuyện của những người trong cuộc, những chứng nhân lịch sử của Chiến dịch K8-K10, nhà báo Lê Bá Dương viết trong Lời ngỏ, gọi đây là “Cuộc thiên di màu đỏ”.
Trong loạt bài viết này, chúng tôi chỉ mới lần tìm lại được một vài câu chuyện nhỏ về một phần của chiến dịch K10 từ Vĩnh Linh tới Tân Kỳ, như những mảnh ghép trong bức tranh về một chiến dịch khổng lồ, một quyết sách lớn và hết sức đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Thực hiện chiến dịch này là một hành trình đầy gian khổ hy sinh, kéo dài nhiều năm, một hành trình mang nặng nghĩa đồng bào, có tầm nhìn xa và hết sức nhân văn.
Sau hơn nửa thế kỷ, những người lớn tuổi ở cả hai huyện Tân Kỳ - Vĩnh Linh đều đã lần lượt về thế giới bên kia, cảnh cũ người xưa cũng đã thay đổi nhiều. Nhưng những phần ký ức sâu đậm về tình nghĩa đồng bào trong cuộc chiến tranh vĩ đại ấy, vẫn được cất giấu vẹn nguyên, chỉ cần vén bức màn quá khứ lịch sử là ào ào tuôn chảy...
Nhưng những phần ký ức sâu đậm về tình nghĩa đồng bào trong cuộc chiến tranh vĩ đại ấy, vẫn được cất giấu vẹn nguyên, chỉ cần vén bức màn quá khứ lịch sử là ào ào tuôn chảy...
Tân Kỳ, huyện miền núi phía Tây Nghệ An vào thời điểm chiến dịch K10, vừa mới được thành lập vỏn vẹn 4 năm, vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều gian khó. Thế nhưng, nhân dân các dân tộc Tân Kỳ vẫn dang rộng vòng tay đón nhận gần 3 vạn đồng bào từ tuyến lửa về sơ tán với tinh thần “chúng tôi nỏ nghĩ chi mô, chỉ coi tất cả như anh chị em, như cô bác trong nhà” (trích lời ông Thái Doãn Bốn, người dân xã Kỳ Phượng, Tân Kỳ, Nghệ An). Họ cùng chia đôi mâm cơm, chia đôi vườn tược, chiếc giường, chia đôi cả bàn thờ đến bầu sữa mẹ…
Biết chúng tôi đang đi tìm lại những dấu vết Vĩnh Linh tại Tân Kỳ, ông Nguyễn Hoa Sơn, trú tại xóm Tiền Phong, Kỳ Sơn đội nón, lụm cụm đi bộ đưa cả đoàn về phía cuối làng. Trên khoảng sân nhỏ bỏng rát nắng, ông Sơn chỉ cho chúng tôi thấy chiếc thành giếng được đúc bằng xi-măng, bên ngoài vẫn còn dòng chữ ghi tháng năm: K10 3/2/1970.
Ông Sơn cho biết, chiếc thành giếng được đúc đúng giai đoạn gần 3 vạn đồng bào Vĩnh Linh sơ tán về Tân Kỳ. Sau này, khi “cuộc trường chinh vạn dặm” kết thúc, chiếc thành giếng lại tiếp tục được chủ nhân mới của ngôi nhà giữ lại và sử dụng cho tới tận hôm nay.
Dấu vết Vĩnh Linh còn hiển hiện rõ trong những mảnh vườn hồ tiêu xanh mướt lẩn khuất trong nhiều gia đình ở huyện miền núi phía Tây xứ Nghệ. Đây vốn là giống cây trồng được đồng bào Vĩnh Linh “thiên di” ra Tân Kỳ trong đợt “trường chinh màu đỏ” những năm 1967-1972. Cây tiêu ấy giờ quen thuộc trong mỗi vườn nhà người dân Tân Kỳ, là hiện thực rõ ràng trước mắt, cho chúng tôi thấy những ký ức gần 60 năm trước như vừa mới diễn ra ngày hôm qua.
Nhìn lũ trẻ cười đùa bên chiếc giếng cũ, bên những cọc hồ tiêu Vĩnh Linh xanh mướt mắt, chúng tôi chợt nhớ tới câu hát “truyền thống” của cả hai vùng quê: “Ơ... Giã từ đất mẹ Vĩnh Linh/Ra với miền quê Tân Kỳ xứ Nghệ/ Nghe lạch sông Con giọng hò man mác/... Kháng chiến chung chăn sắn lùi bẻ nửa/Kháng chiến đến cùng, manh chiếu cũng nhường nhau/Ơn nặng nghĩa sâu, Tân Kỳ ơi Tân Kỳ”…
Hẳn còn rất nhiều câu chuyện trong ký ức của nhân dân, rất nhiều chứng tích của một thời kỳ lịch sử đau thương, gian lao và anh hùng vẫn còn cần được kể… Và đó là những “di sản tinh thần” sẽ còn mãi để làm hành trang và vun đắp cho cuộc sống của ngày hôm nay.