Từ vấn nạn thực phẩm, đồ uống “bẩn”, nghĩ về hội nhập

Nguyễn Hải| 25/12/2015 09:28

Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm và lo lắng về tình trạng thực phẩm “bẩn”, đồ ăn thức uống không bảo đảm an toàn cho sức khỏe được bày bán tràn lan. Điều đáng lo lắng là các việc làm trên được coi là tội ác, đầu độc cả cộng đồng, còn nhìn ở khía cạnh hội nhập thì làm suy giảm uy tín của hàng hóa, thực phẩm Việt Nam trước bạn bè thế giới nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có giải pháp mạnh, triệt để cho những vấn nạn này.

ADQuảng cáo

Vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm bao gồm: Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên), Công ty TNHH Thiên Tôn (Hải Dương), Công ty Vimark (Bắc Giang), Công ty Đại An Tín (Hải Dương), Công ty TNHH Tino và Công ty Menon (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh).

Các chất cấm thường thấy là chất tạo nạc và vàng O (chất tạo màu cho thịt gà và heo, có thể gây ung thư và di truyền qua các thế hệ). Nạn sử dụng chất tạo nạc trên diện rộng là do người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận; quản lý nhà nước ở cơ sở lỏng lẻo, dẫn đến người chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi không chấp hành quy định của luật pháp. Mặt khác, việc xử lý hành vi sử dụng chất cấm hiện nay chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính nên không đủ sức răn đe.

Lực lượng chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất bánh mì Thảo Nguyên dùng chất cấm làm bánh mì tại thôn 3, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

Tại Đắk Nông, trong năm 2015, chỉ riêng tại thị xã Gia Nghĩa, Đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y tỉnh đã lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện 13 mẫu nước tiểu tại cơ sở giết mổ của hộ ông Nguyễn Hữu Triều, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân dương tính với chất cấm Beta-agonist (chất tạo nạc).

Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, đồng thời yêu cầu cơ sở giết mổ tập trung này đưa số lượng heo của 4 lô hàng vừa mua về nhốt nuôi để lực lượng chức năng theo dõi nhằm xả thải toàn bộ chất cấm có trong cơ thể heo ra ngoài. Cùng với chất cấm, cà phê “bẩn” đang trở thành vấn nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng ngay tại Tây Nguyên, thủ phủ cà phê của cả nước.

ADQuảng cáo

Tại Đắk Nông, lực lượng chức năng đã lấy 15 mẫu đi kiểm nghiệm và phát hiện 14 mẫu cà phê “bẩn”. Điều đáng nói là khi phát hiện cà phê “bẩn”, việc xử lý chưa được cơ quan có trách nhiệm thực hiện đến nơi đến chốn, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan hoặc đổ lỗi cho việc thiếu nhân lực, kinh phí… nên không kiểm tra, xử lý được?

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là phổ biến, phức tạp. Ma túy ai xài người đó chết, nhưng sử dụng chất tạo nạc là hành vi đầu độc cả cộng đồng. Mức độ nguy hại như vậy nhưng chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát.

Chất tạo nạc tràn lan là do khâu quản lý chưa chặt; mặt khác, các văn bản pháp quy trong lĩnh vực này còn chồng chéo nên hiệu quả chưa cao. Ngành nông nghiệp “quản” là không đủ, mà các bộ, ngành như Công thương, Y tế, Công an cần quyết liệt hơn để hợp lực xử lý. Khâu truyền thông đến với cộng đồng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chất lượng thức ăn chăn nuôi cũng như an toàn thực phẩm đã ở mức báo động đỏ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong cả nước mà còn đáng lo lắng nữa là ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu cũng như uy tín của hàng nông sản Việt Nam.

Cũng theo ông Lịch thì khi TPP có hiệu lực, người ta không cần sản phẩm chăn nuôi giá rẻ mà đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng. Khi chất cấm chưa được loại trừ, làm sao sản phẩm đạt chuẩn để hội nhập với thế giới?

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thì chăn nuôi, thủy sản, nông sản sẽ là những ngành mang lại giá trị kinh tế cao trong tương lai. Vì vậy, bên cạnh thúc đẩy chỉ số tăng trưởng thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, năng suất... thì giải pháp để kiểm soát chặt chất lượng và an toàn thực phẩm là phải hoàn thiện và bổ sung, thống nhất các văn bản quản lý chất cấm, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu cả thức ăn chăn nuôi và kháng sinh, hóa chất dùng trong y tế có thể sử dụng được trong chăn nuôi. Việc thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là điều kiện cần và đủ để ngành chăn nuôi Việt Nam có thể cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ vấn nạn thực phẩm, đồ uống “bẩn”, nghĩ về hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO