Chính trị

Tư tưởng nhân văn và tầm nhìn sâu, rộng trong thơ chúc Tết của Bác Hồ

PGS.TS Nguyễn Xuân Trung 08/02/2024 07:00

Thơ chúc tết của Bác Hồ là một tài sản văn hóa, lịch sử vô giá của dân tộc Việt Nam. Những vần thơ chúc tết của Người không chỉ đơn thuần là lời chúc đầu năm theo truyền thống của dân tộc, mà quan trọng hơn cả là chứa đựng trong đó tư tưởng nhân văn cao cả và tầm nhìn sâu, rộng của một vị lãnh tụ thiên tài, đã dành toàn bộ tâm lực, trí lực cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Từ khi về nước lãnh đạo (1941) cho đến khi qua đời (1969), Bác Hồ đã có 22 bài thơ chúc Tết gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, kể cả kiều bào ở nước ngoài (trừ 3 năm: 1943, 1944,1945 do bị chính quyền Trung Hoa dân quốc cầm tù và do phải dốc toàn bộ thời gian, trí tuệ, tâm sức vào việc cứu nước, cứu dân, nên ba mùa xuân này, Bác không có thơ chúc Tết; và 3 năm: 1955, 1957, 1958 Bác chúc tết bằng thư). Những vần thơ chúc tết của Người không chỉ đơn thuần là lời chúc đầu năm theo truyền thống của dân tộc, mà quan trọng hơn cả là chứa đựng trong đótư tưởng nhân văn cao cả và tầm nhìn sâu, rộng của một vị lãnh tụ thiên tài, đã dành toàn bộ tâm lực, trí lực cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng nhân văn

Tư tưởng nhân văn trong thơ chúc tết của Bác Hồ thể hiện trước hết là tình cảm rộng lớn, chân thành của Người đối với nhân dân và dân tộc. Tết Bính Tuất năm 1946, cảm thông, thấu hiểu đồng bào và chiến sĩ đang xông pha chiến đấu ở tiền tuyến, trong Thư chúc mừng năm mới, Người dành tình cảm thắm thiết, thân thương, động viên các chiến sĩ: “Trong khi đồng bào ở hậu phương đốt hương trầm để thờ phụng Tổ tiên, thì các chiến sĩ ở tiền phương dùng súng đạn để giữ gìn Tổ quốc. Trong khi đồng bào ở hậu phương rót rượu mừng xuân, thì các chiến sĩ ở tiền phương tuốt gươm giết giặc. Các chiến sĩ hăng hái chống địch, để đồng bào được an toàn mừng xuân. Trong ngày Tết, đồng bào ở hậu phương ai cũng đoàn tụ sum vầy chung quanh những bình hoa, mâm bánh. Mà các chiến sĩ thì ăn gió nằm mưa, lạnh lùng ở chốn sa trường. Song, hình dung các bạn thì ấm áp trong lòng thân ái của mỗi một quốc dân” . Còn trong thơ, Người cũng đã gửi đến toàn dân tộc tinh thần lạc quan hướng về tương lai tất thắng, làm phấn khích và ấm lòng chiến sĩ:

“Bao giờ kháng chiến thành công,

Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.

Tết này ta tạm xa,

Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy” .

Với hai từ“chúng ta”, Bác đã hòa cùng các chiến sĩ, hòa vào đoàn quân, hoàn toàn không còn khoảng cách giữa lãnh tụ và chiến sĩ. Người chủ động gần gũi bằng một lời hẹn, một biểu cảm chân tình, thân ái, mang tư tưởng nhân văn cao cả của một vị lãnh tụ đối với đồng bào mình.

Thứ hai, tư tưởng nhân văn trong thơ chúc tết của Bác Hồ thể hiện ở những lời chúc tốt đẹp, an lành đầu năm theo truyền thống của dân tộc. Bác thường mở đầu lời chúc bằng những tin vui, của cách mạng Việt Nam, qua đó thể hiện niềm tin chắc thắng vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong bài thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968, Bác viết:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!” .

Tương tự như vậy, thơ Chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969, Bác viết:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to…” .

Điều đó đã cho thấy, dù là trong hoàn cảnh và trường hợp nào, dù cho là đang hoạt động chính trị hay những hoạt động đời thường thì trong sâu thẳm con người Bác vẫn chỉ canh cánh một khát vọng bình dị nhưng cao cả, như Người đã từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì thế, theo Người, trong hoàn cảnh hiện tại lúc đó của đất nước, lời chúc tốt đẹp nhất trong ngày đầu năm theo truyền thống dân tộc, không gì hơn, đó chính là những tin vui thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những lời chúc, lời mừng nồng ấm, tình cảm mà tràn đầy sức mạnh ấy thấm sâu vào lòng người một cách thiết tha, xao xuyến, rạo rực, tạo nên sức mạnh dân tộc tiềm tàng của truyền thống, của hiện tại và của cả tương lai.

Thứ ba,tư tưởng nhân văn trong thơ chúc tết của Bác Hồ thể hiện ở tinh thần đoàn kết dân tộc. Bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác khi về nước đăng trên báo Việt Nam độc lập số 114 ngày 1.1.1942 có viết:

“Chúc đồng bào ta đoàn kết mau

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới”

Từ đó trở đi, trong hầu hết các bài thơ chúc mừng năm mới của Bác đều có kêu gọi đoàn kết. Mừng Xuân Mậu Tý 1948, Bác viết:

“Toàn dân đại đoàn kết

Cả nước dốc một lòng

Thống nhất chắc chắn được

Độc lập quyết thành công” .

Năm Giáp Ngọ 1954, ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác chúc quân dân cả nước một bài dài, trong đó có nói về đoàn kết:

“Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công” .

Đón Xuân Bính Thân 1956, Bác đã chúc:

“Toàn dân đoàn kết một lòng,

Miền Bắc thi đua xây dựng

Miền Nam giữ vững thành đồng…” .

Năm Kỷ Hợi 1959, miền Bắc đang sôi nổi thực hiện công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh, thơ chúc Tết năm ấy của Người ngắn gọn 4 câu, 24 chữ nhưng Bác vẫn không quên nhắc tới đoàn kết trong đó:

“Chúc mừng đồng bào nǎm mới,

Đoàn kết thi đua tiến tới,

Hoàn thành kế hoạch ba nǎm,

Thống nhất nước nhà thắng lợi”.

Còn nhiều dẫn chứng khác nữa về tư tưởng đoàn kết trong thơ chúc Tết của Bác Hồ mà chưa thể kể hết ra được. Hơn nữa, có những bài thơ chúc Tết tuy Người không nói “Đoàn kết, kết đoàn”, nhưng Người đã nêu những thực tế của cách mạng chỉ có kết đoàn, đoàn kết mới có được, ví dụ như thơ chúc tết Mậu Thân 1968 Người viết:

“Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!” .

Điều khẳng định đó của Bác đã được thực tiễn chứng minh là có cơ sở và hoàn toàn đúng đắn.

Tầm nhìn sâu, rộng

Những vần thơ chúc tết của Bác Hồ không chỉ là “Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân…” như Bác đã khiêm tốn nói, mà chứa đựng sâu sa trong đó là tầm nhìn sâu, rộng của một vị lãnh tụ thiên tài, có tính chất dự báo lịch sử và chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam.

Bài thơ chúc Tết năm mới 1942 được in trên Báo Việt Nam Độc Lập số 114, ngày 1.1.1942, Bác viết:

“Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới.

Chúc toàn quốc ta trong năm này,

Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới...” .

Như chúng ta đã biết, lúc này, chiến tranh Thế giới lần thứ 2 bắt đầu, phe trục phát xít chủ động tấn công và giành nhiều vùng đất đai rộng lớn, phe đồng minh bị động liên tiếp thất bại, thiệt hại nặng nề, thời thế chưa có chiều hướng tốt. Nhưng, bằng cảm quan của một nhà cách mạng xuất chúng, Bác đã khẳng định “phe xâm lược sẽ diệt vong”, “phe dân chủ sẽ thắng lợi”. Đây cũng chính là điều kiện để cách mạng Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa. Thời điểm này, mặc dù cách mạng chưa thành công nhưng ý tưởng về ngọn Quốc kỳ của nhà nước công nông với cờ đỏ sao vàng đã được tượng hình: “Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới”. Và quả đúng 3 năm sau, Cách mạng tháng 8.1945 thành công, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước ta từ đó đến nay.Tháng 8.1942 Bác từ Cao Bằng sang Trung Quốc, đến Túc Vinh (Quảng Tây) thì bị mật vụ Tưởng Giới Thạch bắt giam, đến tháng 9.1943 mới được thả về nước. Mùa Xuân năm 1944 Bác Hồ viết bài Chào Xuân in trên Báo Đồng Minh Xuân Giáp Thân ký tên Hồ Chí Minh. Trong bài thơ chúc Tết này, Bác Hồ đã dự cảm được thời cơ cách mạng thành công đang đến rất gần:

“Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng

Viết bài chào Tết chúc thành công…” .

Và quả thật chưa đầy một năm sau, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thành công rực rỡ mở ra một trang sử mới cho dân tộc ta. Điều đó đã cho thấy Bác Hồ có một nhãn quan chính trị nhạy cảm và một tầm nhìn xa chiến lược, có khả năng dự báo, tiên lượng trước được tình hình để chủ động có những chủ trương, hành động cách mạng cho phù hợp.

Thế nhưng, hòa bình, độc lập chẳng được bao lâu thì thực dân Pháp lại quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Từ đó, các năm Bác Hồ đều có thơ chúc Tết đăng trên các báo Độc Lập, Sự Thật (báo Nhân Dân sau này. Thơ chúc Tết năm Canh Dần 1950, Bác Hồ dự đoán kháng chiến đã đến hồi quyết định:

“Chuyển mau sang tổng phản công

Kháng chiến nhất định thắng lợi…” .

Thơ chúc Tết của Bác các năm 1951, 1952, 1953 đều tập trung vào việc chỉ đạo chiến lược cách mạng, động viên kháng chiến thắng lợi, tạo nên niềm tin tất thắng đối với đồng bào chiến sĩ cả nước.

Xuân Giáp Ngọ 1954, đây là giai đoạn tổng phản công của cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến. Lời thơ chúc Tết của Bác đã mang một tâm thế mới.

“Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công

Hòa bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông

Năm mới, thắng lợi càng mới thành công càng nhiều” .

Trong không khí sục sôi của cuộc kháng chiến, với tinh thần và ý chí quyết tâm cao độ của cả dân tộc quyết giành thắng lợi, Bác Hồ đã dự đoán một cách chắc chắn rằng: “Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”. Và quả đúng như lời khẳng định của Bác, chỉ chưa đầy 4 tháng sau đó, ngày 7.5.1954, chúng ta đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm lịch sử bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.Thơ chúc tết của Bác Hồ năm 1954 còn thể hiện tư duy chiến lược của Người về nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam:

“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do

- Cải cách ruộng đất là công việc rất to” .

Như vậy, Hồ Chí Minh đã khẳng định rất rõ hai nhiệm vụ của cách mạng lúc bấy giờ là giành độc lập dân tộc và tiến hành cải cách ruộng đất đề người cày có ruộng. Điều này cho thấy tính ưu việt và triệt để của cách mạng Việt Nam, vừa thực hiện đánh đổ đế quốc thực dân, vừa tiến hành lật đổ phong kiến để có thể chia ruộng đất cho người nghèo.

Nói về tầm nhìn sâu, rộngtrong thơ chúc Tết của Bác Hồ, ta không thể không nhắc tới bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969, đây là mùa Xuân thứ 79 của Bác, mặc dù đã linh cảm “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin”, nhưng Bác vẫn làm thơ chúc Tết với âm hưởng hào hùng với chỉ đạo chiến lược rõ ràng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” làm rung động trái tim đồng bào chiến sĩ cả nước:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn” .

Đúng như tiên cảm của Bác trước lúc đi xa, khi Bắc Nam thống nhất non sông liền một dải là mùa Xuân trọn vẹn nhất. Mùa Xuân ấy đã được đồng bào chiến sĩ cả nước thực hiện thành công bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 như Bác hằng mong muốn.

Như vậy, mặc dù chỉ là những bài thơ chúc Tết nhân dịp năm mới theo truyền thống của dân tộc, nhưng thấm đượm trong đó là tâm hồn, khí phách của một con người mà cả cuộc đời đã hiến dâng cho hạnh phúc thực sự của dân, của nước. Và trên hết, qua những vần thơ chúc Tết đó, ta thấy được tư tưởng nhân văn và tầm nhìn sâu, rộng của một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Chính từ tư tưởng nhân văn và tầm nhìn sâu, rộng đó của Bác Hồ đã giúp cách mạng Việt Nam có những chủ trương đúng đắn và quyết sách kịp thời để giành thắng lợi, tạo những bước ngoặt lịch sử cho dân tộc, cho đất nước sau này.

PGS.TS Nguyễn Xuân Trung
Học viện Chính trị khu vực I

Theo baohungyen.vn
https://baohungyen.vn/tu-tuong-nhan-van-va-tam-nhin-sau-rong-trong-tho-chuc-tet-cua-bac-ho-12596.html
Copy Link
https://baohungyen.vn/tu-tuong-nhan-van-va-tam-nhin-sau-rong-trong-tho-chuc-tet-cua-bac-ho-12596.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tư tưởng nhân văn và tầm nhìn sâu, rộng trong thơ chúc Tết của Bác Hồ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO