Thượng nghị sỹ Mexico - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Mexico Geovanna Bañuelos phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho mọi con tim yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có người dân Mỹ Latinh.
Dù đại dương cách trở, song tinh thần Hồ Chí Minh luôn là ngọn hải đăng soi sáng cho con đường đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bên kia bán cầu. Đây là nhận định của các chính khách và học giả quốc tế tại Hội thảo Mỹ Latinh về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra mới đây tại Mexico, nhân chuyến thăm của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam, do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, dẫn đầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, được tổ chức tại trụ sở Thượng viện Mexico, trung tâm thủ đô Mexico City, hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chính khách bao gồm Thượng nghị sỹ-Ủy viên Bộ Chính trị Geovanna Bañuelos; Hạ nghị sỹ-Ủy viên Bộ Chính trị Magnadela Nunez; Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico (PT) Alberto Anaya Gutiérrez; ông Alfredo Femat Banuelo, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico và các nghị sỹ thuộc Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam-Mexico.
Trong số các học giả, đáng chú ý có ông Rubén Zardoya, nguyên Hiệu trưởng Đại học La Habana và ông Raúl Llarul, cựu Bí thư phụ trách truyền thông Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Marti (FMLN) của El Salvador.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng nghị sỹ-Ủy viên Bộ Chính trị Geovanna Bañuelos khẳng định trong cuộc đấu tranh giành độc lập và quyền tự quyết của mình, các dân tộc Mỹ Latinh đã học hỏi rất nhiều từ sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tư tưởng của Người trong quá trình dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nhắc lại lời kêu gọi “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” của Hồ Chủ Tịch, bà Bañuelos cho biết đây là câu nói không chỉ của Việt Nam, mà đã trở thành tuyên ngôn của mọi người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có người dân Mỹ Latinh.
Tinh thần của lời kêu gọi đã tạo nguồn cảm hứng, khích lệ to lớn với cuộc đấu tranh giải phóng giành độc lập của các nước Mỹ Latinh.
Theo Thượng nghị sỹ-Ủy viên Bộ Chính trị Geovanna Bañuelos, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã giúp người dân Mỹ Latinh nhận thức rõ hơn rằng tự do và độc lập không tự nhiên mà có, mà cần trải qua quá trình đấu tranh gian khổ và trường kỳ.
Chia sẻ quan điểm với bà Bañuelos, Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico Alberto Anaya Gutiérrez cho rằng thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ, mặc dù tình hình trong nước và thế giới có những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, nhưng tính đúng đắn, sức sống, sự sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam và xu thế thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.
Chính vì lý do này, 18 năm sau khi Người ra đi, vào năm 1987, Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng Giải phóng Dân tộc, Nhà Văn hóa kiệt xuất.”
Nghị quyết này của UNESCO đã phản ánh sự mong đợi của tất cả những ai yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên thế giới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh đối với nhân dân khu vực Mỹ Latinh, trong đó có nhân dân Mexico, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt.
Người nhiều lần khẳng định nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ Latinh là những người bạn, người anh em gắn bó mật thiết với nhau trong mục tiêu chung là đấu tranh chống lại sự nô dịch, áp bức, bất công, thực hiện hòa bình, độc lập và phát triển giàu mạnh, tiến bộ, để mang lại tự do, hạnh phúc thực sự cho toàn thể nhân dân.
Với những tình cảm chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân tiến bộ Mỹ Latinh đã dành cho Người những tình cảm yêu quý, trân trọng đặc biệt, coi Người vừa là người bạn thân thiết, thủy chung, vừa là người đã đi tiên phong, góp phần cổ vũ, khích lệ và trở thành niềm cảm hứng to lớn đối với cuộc đấu tranh giải phóng, chống nô dịch, áp bức, bất công của nhân dân Mỹ Latinh.
Ông Rubén Zardoya, nguyên Hiệu trưởng Đại học La Habana, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)
Tại hội thảo, các học giả và nhà nghiên cứu đưa ra tham luận đề cập nhiều vấn đề sâu sắc, giàu tính gợi mở, trong đó nhiều ý kiến tập trung vào những vấn đề như tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế.
Với ông Rubén Zardoya, nguyên Hiệu trưởng Đại học La Habana, giá trị nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh được biểu hiện vô cùng đa dạng và phong phú, thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, tỏa sáng trong từng việc làm, cử chỉ và mối quan tâm sâu sắc, ân cần đối với con người, với nhân dân, đất nước và nhân loại, nhất là nhân dân các dân tộc bị áp bức.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)
Từng là người dành nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Zardoya cho rằng mục đích cao nhất của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là mong muốn con người được giải phóng triệt để và trở thành chủ nhân đích thực của đất nước, của thế giới.
Cũng chính vì lẽ đó, vẻ đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè quốc tế không chỉ là sự giản dị, khiêm tốn, giàu lòng vị tha, mà còn là trí tuệ uyên bác, tầm nhìn sâu rộng, lý tưởng và hoài bão cao đẹp "hiến dâng tất cả cho Tổ quốc, cho nhân dân."
Bổ sung nội dung phát biểu của nguyên Hiệu trưởng Đại học La Habana, ông Raúl Llarul, cựu Bí thư phụ trách truyền thông Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Marti (FMLN) của El Salvador khẳng định đây chính là lý do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong danh sách những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ 20.
Nhắc lại triết lý “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy cái bất biến (không thay đổi) mà ứng phó với cái vạn biến (cái luôn thay đổi), cựu lãnh đạo Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Marti cho rằng đây là một triết lý luôn có giá trị ở mọi thời đại, đặc biệt trong giai đoạn thế giới nhiều biến động như hiện nay, qua đó ông khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là lãnh tụ của thời đại./.