Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có lòng tin vô tận đối với quần chúng. Người luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Phong cách quần chúng trong tư tưởng của Bác đó là sâu sát, vì lợi ích của quần chúng, đi đúng đường lối và lắng nghe ý kiến của quần chúng. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên cần gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Mọi cán bộ, đảng viên phải đi đúng đường lối quần chúng, tin tưởng vào khả năng và sức mạnh của Nhân dân. Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, phải thể hiện tinh thần phụ trách trước Nhân dân.
Phong cách quần chúng không chỉ là phong cách cần thiết của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân, mà còn cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Đối với người lãnh đạo cấp trên, hiểu dân và hiểu cấp dưới đều có tầm quan trọng đặc biệt. Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn, càng hiểu dân và càng hiểu cấp dưới, người lãnh đạo càng hiểu chính mình và rút ra được những điều bổ ích để bổ sung cho chủ trương, chính sách đề ra. Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính dân, phải thân dân, gần dân để hiểu dân.
Cán bộ, đảng viên phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của Nhân dân; làm cho dân kính, dân yêu, dân tin, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người, nếu cứ ỷ vào quyền lực chỉ có thể làm cho người ta sợ, ngại, xa lánh và khinh ghét chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Người khẳng định nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.
Phong cách quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng”, bởi trong dân chúng, có nhiều tầng lớp, trình độ, ý kiến khác nhau. Do đó, người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng vừa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.
Phong cách quần chúng của cán bộ, đảng viên thể hiện rõ trong các thói quen sinh hoạt hàng ngày; phải giản dị, hòa đồng với quần chúng, không đặc quyền, đặc lợi. Người cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc trong cán bộ, rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện”. Khi người cán bộ thấm nhuần tác phong quần chúng, họ sẽ được quần chúng Nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và làm việc gì cũng thành công.
Đi đôi với phong cách quần chúng là phong cách dân chủ. Người yêu cầu, cán bộ phải thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” nhằm phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người.
Phong cách dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là dân chủ có định hướng, có lãnh đạo, phải đi đến sự tập trung chứ không phải quá trớn, vô tổ chức. Để phát huy dân chủ, người cán bộ, đảng viên phải sâu sát quần chúng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của quần chúng, quan tâm đến mọi mặt đời sống Nhân dân; tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình nếu có. Mỗi cán bộ, đảng viên cần đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến và phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó. Người cán bộ phải biết động viên, khuyến khích, làm sao để cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.
Người thường nói: "Đề ra công việc, đẻ ra nghị quyết, không khó, vấn đề là thực hiện nó và tập thể, quần chúng chính là người thực hiện. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới đi đến thống nhất, đồng tâm thực hiện thành công, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Cương vị lãnh đạo càng cao, thì càng đòi hỏi phải có tác phong tập thể - dân chủ thật sự, chứ không phải hình thức. Bởi vì mọi sự giả tạo đều làm suy yếu, thậm chí phá vỡ tập thể. Mọi thói hình thức chủ nghĩa, sớm muộn sẽ làm xói mòn, thậm chí triệt tiêu dân chủ.
Nêu gương cũng là một trong những phong cách được Người thực hiện xuyên suốt trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nêu gương trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm.
Việc nêu gương được thể hiện trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với công việc. Đối với mình không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ nguyên tắc để việc công lên trên, lên trước việc cá nhân.
Theo Người, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, mọi lúc, mọi nơi để quần chúng noi theo. Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất trong xây dựng Đảng, các tổ chức cách mạng, con người mới, cuộc sống mới.
Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em. Trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò. Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên không chỉ có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp Nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.