Từ ngày 26-30/6: Tái thẩm định CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông năm 2023
Theo kế hoạch, từ ngày 26-30/6/2023, Đoàn chuyên gia tái thẩm định Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO sẽ tiến hành tái thẩm định CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông năm 2023.
Đoàn chuyên gia tái thẩm định CVĐC toàn cầu UNESCO do ông Jianping Zhang - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc tế IUGS về di sản địa chất, Phó Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO làm trưởng đoàn; ông Marekazu Ohno - Thành viên Tiểu ban CVĐC, Ủy ban Quốc gia UNESCO Nhật Bản làm thành viên.
Trong quá trình tái thẩm định các điểm đến thuộc CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Đoàn chuyên gia sẽ thu thập tài liệu, trải nghiệm nhiều hoạt động đa dạng. Từ đó, các chuyên gia đưa ra những góp ý, khuyến nghị nhằm góp phần phát triển hơn nữa CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Công viên địa chất Đắk Nông được công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO từ năm 2020 với diện tích là 4.760 km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và TP. Gia Nghĩa. Tỉnh Đắk Nông đã và đang thực hiện nghiêm các mục tiêu, tiêu chí của UNESCO về xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn được thiên nhiên, sử dụng hợp lý tổng thể mọi dạng tài nguyên, mọi giá trị di sản, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực du lịch nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trải qua 4 năm sau khi đạt danh hiệu, CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trên 3 tuyến du lịch trải nghiệm địa chất, thực hiện nghiêm việc bảo tồn cảnh quan, giá trị địa chất, văn hóa, các kế hoạch nhằm cải thiện sinh kế cho người dân. Đặc biệt, với các hoạt động truyền thông quảng bá, giáo dục, môi trường, liên kết du lịch và hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động mạng lưới CVĐC… góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về Công viên địa chất, nâng cao vai trò, vị thế của CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Du lịch CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, mở ra hướng phát triển bền vững dựa trên các giá trị bản sắc văn hóa, sự kỳ vĩ của cảnh quan thiên nhiên, các di sản độc đáo về địa chất… đóng góp quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kinh tế du lịch tạo sinh kế cho người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên chính quê hương của mình.