Tham gia “Triển lãm thế giới EXPO 2020” lần này là niềm tự hào lớn của tỉnh Đắk Nông nói chung và đồng bào các dân tộc bản địa nói riêng, khi giá trị di sản truyền thống được giới thiệu với bạn bè thế giới…
Ngoài lãnh đạo tỉnh, cán bộ chủ chốt, trong đoàn có 14 nghệ nhân (7 nghệ nhân cồng chiêng và 7 nghệ nhân dệt thổ cẩm) đại diện cho các dân tộc thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh tham dự. Trong đoàn, người nhiều tuổi nhất là nghệ nhân Y Rrế (gần 70 tuổi) và trẻ nhất là nghệ nhân H’Bình (35 tuổi). Ai cũng ngỡ như đang mơ, bởi đa số các nghệ nhân đi biểu diễn ở Dubai lần này có người chưa một lần đi xa khỏi tỉnh.
Trong niềm hân hoan, bỡ ngỡ đó, nghệ nhân Y Nhép ở xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp) tự hào: “Cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ đến có một ngày mình cùng đội chiêng bon Pi Nao sang nước ngoài trình diễn, bỡ ngỡ lắm nhưng rất hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây không đơn thuần là được đi ra nước ngoài mở mang tầm mắt mà bởi tiếng chiêng của người M’nông vang xa, được bạn bè quốc tế biết đến. Nhiều người hỏi, tại sao một khối đồng lại phát ra âm thanh cuốn hút đến vậy và họ nói sẽ đến Việt Nam vào một ngày gần nhất để tìm hiểu cũng như nghe lại âm thanh nhạc cụ đặc biệt này”.
Các nghệ nhân bon Pi Nao luyện tập đánh cồng chiêng trước khi đi biểu diễn ở Dubai |
Nghệ nhân Y Brế ở xã Trường Xuân (Đắk Song) cũng cho hay: “Ban đầu tôi cũng hơi lo vì dù sao đã gần 70 tuổi và chưa được đi máy bay bao giờ. Được diễn tấu cồng chiêng ở một sân chơi quốc tế, tôi cũng như các thành viên trong đoàn cảm thấy tự hào vô cùng. Đây chính là động lực thôi thúc chúng tôi đưa cồng chiêng đến gần hơn với công chúng thế giới, đồng thời truyền lửa cho thế hệ trẻ đam mê gìn giữ báu vật của bon làng”.
Theo nghệ nhân Y Lanh, Đội trưởng Đội cồng chiêng bon Pi Nao, trước chuyến lưu diễn ở Dubai lần này, cả đội đều tích cực luyện tập nhuần nhuyễn các bài chiêng truyền thống của người M’nông như Ching ngăn, Pep Kon Jun, Thơt tinh thoa… Trong khi diễn tấu, các nghệ nhân vừa đánh cồng chiêng vừa hát sử thi… Trước đó, vào năm 2016, Đội chiêng bon Pi Nao cũng đã đại diện cho tỉnh Đắk Nông tham gia Liên hoan nhạc cụ thuộc bộ gõ ở Đan Mạch. Dù đã là lần thứ hai được đi nước ngoài, được mang nhạc cụ và văn hóa của dân tộc giới thiệu đến bạn bè quốc tế, song trong lòng ai cũng khấp khởi, lo lắng có, hồi hộp có mà tự hào, hãnh diện cũng có.
Không chỉ cồng chiêng mà sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc bản địa M’nông, Mạ, Ê đê cũng vinh dự được tham dự sự kiện lớn này. Nghệ nhân H’Đá ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) cho biết: “Hồi hộp lắm nhưng chúng tôi bảo nhau sẽ cố gắng mang hồn cốt văn hóa người Ê đê giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Trước ngày đi, tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày vì hồi hộp. Tôi cũng hy vọng rằng, từ đây các sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng sẽ được nhiều người biết đến và sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn nữa sau khi trở về”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh, Ngày Quốc gia Việt Nam tại Dubai là sự kiện quan trọng bậc nhất của Việt Nam tại EXPO 2020. Chương trình được Bộ VHTT-DL lên kế hoạch với nhiều nội dung phong phú như: Nghi lễ thượng cờ Việt Nam; Lễ diễu hành; Biểu diễn nghệ thuật thời trang “Dòng chảy bất tận”; Tuần phim Việt Nam; Triển lãm tranh của “thần đồng hội họa” Xèo Chu… Trong khuôn khổ chương trình, các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, không gian văn hóa thổ cẩm của tỉnh Đắk Nông tại Dubai là kết quả của quá trình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa mà tỉnh đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Đặc biệt, các sản phẩm thổ cẩm của đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê được ban tổ chức sử dụng, thiết kế thành các bộ sưu tập thời trang ứng dụng độc đáo. Sự hòa quyện giữa các trang phục truyền thống dân tộc, lại được các nhà thiết kế nổi tiếng sáng tạo thực sự như thổi làn gió mới cho trang phục Việt. |