Tự hào con cháu đất Tổ
Dù xa quê hương nhưng những người con quê Phú Thọ trên vùng Đắk Nông luôn mang trong mình niềm tự hào về cội nguồn đất Tổ.
Những người con quê Phú Thọ luôn giữ vững trong trái tim mình những giá trị truyền thống, văn hóa của dân tộc, đồng thời không ngừng nỗ lực vươn lên, góp phần làm rạng danh truyền thống của đất Tổ, đóng góp vào sự phát triển của Đắk Nông và đất nước.

Là một người con của quê hương đất Tổ Phú Thọ, tôi luôn sống với tâm thế hướng về nguồn cội và những giá trị lịch sử mà nơi đây mang lại. Dù sinh sống và lập nghiệp tại Đắk Nông, tôi vẫn giữ tinh thần kiên cường, chăm chỉ và tôn trọng lao động - kế thừa truyền thống cha ông! Mảnh đất mới Đắk Nông không chỉ là nơi thử thách mà còn là cơ hội để tôi phát triển và đóng góp cho cộng đồng.

Dù đã xa quê hương, nhưng hình ảnh của những người ông, người cha trong gia đình luôn là ngọn đèn soi đường, nhắc nhở tôi về trách nhiệm với gia đình, quê hương và cộng đồng. Niềm tự hào về dòng máu Lạc Hồng luôn là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu, cống hiến, để tạo dựng sự nghiệp.

Công ty của tôi chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông sản, hạt dinh dưỡng từ vùng đất đỏ Bazan hướng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Các sản phẩm của công ty được phân phối trên cả nước và ngay chính tại quê hương Phú Thọ, như một cách để ghi nhớ về quê hương đất Tổ nơi tôi sinh ra. Mỗi bước tiến trên con đường kinh doanh đều là minh chứng cho những giá trị cội nguồn mang lại, giúp tôi vững vàng trong công việc, cuộc sống.

Tôi luôn tự hào về cội nguồn của mình, nơi quê hương đất Tổ - Phú Thọ với những truyền thống lịch sử tốt đẹp. Nhà đông con, cuộc sống khó khăn nên bố mẹ tôi đã đưa anh em chúng tôi vào Tây Nguyên lập nghiệp.

Tôi đến sinh sống tại Đắk Nông từ năm 2000, mảnh đất Đắk Nông như là quê hương thứ 2 của tôi. Nơi đây, tôi và gia đình đã vượt qua những khó khăn, xây dựng một tổ ấm nhỏ cho riêng mình. Hiện tại, vợ chồng tôi có 10 ha đất trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, sầu riêng, cao su… cùng đại lý phân bón hoạt động tương đối hiệu quả.

Tại vùng đất mới này, tôi cũng gặp và biết đến nhiều người con của quê hương Phú Thọ đến lập nghiệp như mình. Chúng tôi vẫn thường động viên, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất để vừa phát triển kinh tế gia đình vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tình yêu quê hương, cùng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Dù xa quê hương nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ về cội nguồn của mình và cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của mảnh đất, con người Phú Thọ.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, tôi rất tự hào về quê hương đất Tổ, nơi các Vua Hùng đã dựng nước và giữ nước. Từ năm 2001, khi chuyển đến sinh sống và lập nghiệp tại Đắk Nông, tôi vẫn luôn mang trong mình niềm tự hào và trách nhiệm tiếp nối những giá trị văn hóa của quê hương, con người Phú Thọ. Dù sống và làm việc ở đâu, tôi luôn nỗ lực hết mình để phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Hiện nay, với vai trò là hiệu trưởng của một trường tiểu học tại TP. Gia Nghĩa, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, từ công tác quản lý giáo dục đến các hoạt động của địa phương. Tôi luôn chú trọng đến việc nâng cao tinh thần học tập, rèn luyện cho học sinh; đồng thời khuyến khích các em phấn đấu góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và phát triển hơn.

Dù mỗi người con của Phú Thọ đang sinh sống và làm việc ở đâu, chúng tôi luôn mang trong mình niềm tự hào về mảnh đất cội nguồn – nơi các Vua Hùng dựng nước và giữ nước. Phú Thọ là nơi nuôi dưỡng tinh thần kiên cường, lòng yêu nước; là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hội đồng hương Phú Thọ ở tổ dân phố Nghĩa Tín được thành lập từ năm 2006. Hiện nay, hội có 28 thành viên tham gia gia lưu, sinh hoạt. Hàng năm, hội thường tổ chức họp mặt nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tổ chức các hoạt động giao lưu, gắn kết, chia sẻ tình cảm, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Các thành viên cũng tham gia đóng góp gây quỹ với số tiền 500.000 đồng/người/năm để hỗ trợ vay vốn xoay vòng, cùng giúp nhau phát triển kinh tế.

Hội khuyến khích các thành viên đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tiếp nối và phát huy những giá trị mà ông cha để lại. Bằng cách này, chúng tôi giữ gìn những giá trị truyền thống, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng nơi chúng ta sinh sống.
Mỗi thành viên trong hội đều có trách nhiệm gìn giữ và truyền lại những giá trị văn hóa của đất Tổ cho thế hệ sau, góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, gắn bó, sẻ chia, trách nhiệm của cộng đồng những người con Phú Thọ trên đất Đắk Nông.

Sinh ra và lớn lên ở miền quê đất Tổ Phú Thọ, tôi luôn mang trong mình niềm tự hào sâu sắc về mảnh đất linh thiêng này. Phú Thọ nổi tiếng với những cánh đồng lúa bát ngát, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Mỗi lần nhắc đến Phú Thọ, trong lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những ngọn núi, những con sông hiền hòa, và đặc biệt là Đền Hùng - nơi thờ cúng các Vua Hùng, biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự kiên cường và phẩm giá dân tộc. Cuộc sống ở quê hương, dù giản dị nhưng tràn đầy tình yêu thương, gắn kết cộng đồng.

Xa quê, sống, làm việc trên mảnh Đắk Đắk Nông, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đó là niềm tự hào và là động lực để tôi luôn nỗ lực vươn lên, góp phần làm rạng danh quê hương mình.

Là một người từng học tập dưới mái trường THPT Hùng Vương và nay có cơ hội trở về công tác, giảng dạy tại chính ngôi trường này, tôi vô cùng tự hào, sung sướng và vinh dự. Cái tên “Hùng Vương” không chỉ là một danh xưng, mà còn mang trong mình niềm tự hào dân tộc, gợi nhớ về cội nguồn thiêng liêng của đất nước.
Công tác tại ngôi trường mang tên Quốc Tổ, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải giữ vững, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với nghề và không ngừng cống hiến để góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu mà các thế hệ đi trước đã xây dựng.

Là một nhà giáo, tôi hiểu rằng việc truyền lửa tri thức, đạo đức và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ chính là cách thiết thực nhất để phát huy truyền thống các vua Hùng. Tôi luôn cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức một cách sáng tạo, giúp học sinh không chỉ hiểu bài mà còn nuôi dưỡng niềm đam mê học tập. Bên cạnh đó, tôi đặc biệt chú trọng đến giáo dục nhân cách, bồi đắp tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn và ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc trong các em học sinh.

Ngoài công tác giảng dạy, tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội, tổ chức các chương trình hướng về cội nguồn như lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, hoạt động ngoại khóa tìm hiểu lịch sử dân tộc… Những hoạt động này giúp học sinh thêm hiểu biết về lịch sử, khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm với đất nước trong các em.
Tự hào khi công tác tại ngôi trường mang tên Hùng Vương, tôi luôn tâm niệm rằng mình phải không ngừng học hỏi, rèn luyện bản thân và đóng góp hết sức mình cho sự phát triển của nhà trường. Bởi lẽ, sự nghiệp “trồng người” chính là một cách tiếp nối ý chí dựng nước của cha ông ta, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.