Tư duy kinh tế nông nghiệp để làm giàu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho rằng, nông dân cần chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để làm giàu.
Đồng chí Lê Trọng Yên phân tích, nông nghiệp là lợi thế của Đắk Nông, với 380.000ha đất sản xuất. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng trên 37% trong cơ cấu kinh tế và là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Đắk Nông có lực lượng nông dân đông đảo, với trên 70% dân số. Vì thế, kết hợp hiệu quả giữa tiềm năng, lợi thế về đất đai rộng lớn và lực lượng lao động đông đảo là nông dân có tri thức sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đắk Nông.
Kinh tế nông nghiệp chính là liên quan đến việc nông dân sử dụng đất, tối đa hóa nâng cao năng suất cây trồng và phải bảo đảm duy trì hệ sinh thái tốt. Tư duy sản xuất nông nghiệp lấy sản lượng làm mục tiêu. Còn tư duy kinh tế nông nghiệp là lấy giá trị làm mục tiêu.
Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nghĩa là chuyển từ tăng sản lượng sang tăng giá trị. Tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có. Tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần, bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện ích.
Theo đồng chí Lê Trọng Yên, nông dân vốn quen với tư duy sản xuất nông nghiệp, ít khi tính tới chi phí đầu vào. Trong khi đó, tư duy kinh tế nông nghiệp chính là càng giảm chi phí đầu vào càng tăng được lợi nhuận, gia tăng giá trị. Giá cao hay thấp chỉ phản ánh sự khan hiếm của hàng hóa, “bàn tay vô hình” của thị trường sẽ tự điều chỉnh giá cả.
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Đắk Nông, đồng chí Lê Trọng Yên chia sẻ: “Kinh tế nông nghiệp là không cạnh tranh bằng số lượng, không khai thác tự nhiên. Thay vào đó, nông nghiệp hướng đến cạnh tranh bằng sản xuất ít, sản xuất tiết kiệm, giảm bớt sức ép môi trường, đem lại hiệu quả cao hơn”.
Tư duy kinh tế nông nghiệp được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đúc rút lại với 6 từ khóa: “Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng hóa sản phẩm chế biến”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích, trong nông nghiệp nếu giảm được một đồng chi phí nghĩa là đã tăng được một đồng lợi nhuận cho nông dân.
Muốn nuôi con gì, trồng cây gì thì đầu tiên nông dân phải hợp tác với nhau để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, thay đổi canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật để được Nhà nước hỗ trợ.
Đồng chí Lê Trọng Yên cho biết, muốn giảm chi phí sản xuất thì nông dân nên tham gia vào kinh tế tập thể, nhất là HTX để làm kinh tế nông nghiệp.
Nông dân vào HTX, trở thành thành viên sẽ cùng sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm, ký kết đầu vào, đầu ra, từ đó giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhà nước không hỗ trợ từng hộ dân cụ thể. Nhà nước chỉ hỗ trợ hạ tầng dùng chung cho một mô hình. Do đó, nông dân nên vào HTX để liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đắk Nông có khoảng 140.000 hộ nông dân sinh sống ở nông thôn, nhưng chỉ mới gần 6.000 hộ tham gia vào các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp. Số nông dân đã tham gia vào HTX cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Từ thực tế này, nông dân Đắk Nông cần được các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền để tiếp cận kiến thức về kinh tế nông nghiệp, từ đó chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.