Từ chức là gì? Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng uy tín là đạo đức công vụ (Đề xuất) (Hình từ Internet)
Từ chức là gì?
Theo khoản 13 Điều 7 Luật Cán bộ công chức 2008 sửa đổi bởi Luật 52/2019/QH14 (sau đây gọi là Luật Cán bộ công chức), từ chức đối với cán bộ và công chức lãnh đạo được định nghĩa như sau: Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
Tại khoản 10 Điều 6 Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sau đây gọi là Dự thảo Luật) cũng kế thừa quy định này.
Theo Điều 30, Điều 54 Luật Cán bộ công chức việc từ chức của cán bộ công chức được quy định như sau
(1) Cán bộ công chức có thể từ chức trong các trường hợp sau đây:
- Không đủ sức khỏe;
- Không đủ năng lực, uy tín;
- Theo yêu cầu nhiệm vụ;
- Vì lý do khác.
(2) Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc.
(3) Công chức lãnh đạo, quản lý xin từ chức hoặc miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
(4) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc từ chức cán bộ công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Những việc cán bộ công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ theo quy định hiện hành
Theo Điều 18 Luật Cán bộ công chức, những việc cán bộ công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ bao gồm:
(1) Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
(2) Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.
(3) Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.
(4) Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng uy tín là đạo đức công vụ theo Dự thảo Luật Cán bộ công chức
Theo Điều 7 Dự thảo Luật đề xuất quy định việc thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng uy tín là đạo đức công vụ. Cụ thể:
Đạo đức công vụ bao gồm những nội dung sau:
(1) Thực hiện công vụ một cách trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm. Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây lãng phí, phiền hà, sách nhiễu.
(2) Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết.
(3) Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; tôn trọng, bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân, lãnh đạo, đồng nghiệp và cơ quan, tổ chức.
(4) Tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
(5) Không được để xảy ra các hành vi bất bình đẳng, phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp, địa vị xã hội, hình thức sở hữu và thành phần kinh tế của cá nhân, pháp nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và ngoài xã hội.
Từ chức đối với cán bộ theo Dự thảo Luật Cán bộ công chức
Theo Điều 18 Dự thảo Luật, cán bộ từ chức trong các trường hợp: Không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ; lý do khác.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục từ chức được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Xem thêm tại Dự thảo Luật Cán bộ công chức sửa đổi.
Lê Quang Nhật Minh