Dòng chảy thông tin

Từ chính sách tới thực tiễn bình đẳng giới tại Việt Nam

P.V 25/10/2023 05:50

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới. Đây là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

ADQuảng cáo

Tích cực hoàn thiện chính sách

Trên cơ sở pháp luật và các công ước, cam kết quốc tế về bình đẳng giới và nhân quyền, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật phù hợp nội dung, tinh thần của các cam kết quốc tế. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 và nhiều bộ luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách nghiêm túc. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng và phù hợp với thực tiễn quốc gia.

Bên cạnh việc xây dựng, ban hành luật pháp, chính sách, Việt Nam cũng đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong từng lĩnh vực cụ thể như: Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, các đề án, chương trình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, truyền thông về bình đẳng giới… và mới đây là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Đây là các văn kiện quan trọng nhằm cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp để thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới, đồng thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, cũng như các nội dung về bình đẳng giới trong các mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

binh-dang-gioi.png

Những thành tựu được ghi nhận

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Trên phương diện kinh tế, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế và vai trò của mình, có cơ hội để mang lại thu nhập cao hơn. Điều đó góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thập kỷ qua.

Trong lĩnh vực chính trị, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới. Sau đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ nữ ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh trung bình toàn quốc đạt 16%; có 61/63 tỉnh, thành phố có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Trong Quốc hội, số lượng đại biểu nữ nhiệm kỳ khóa XV là 30,26%, tăng 3,54% so với khoá XIV (26,72%). Kết quả bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng ghi nhận sự tăng lên của các nữ đại biểu, trong đó tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 29% (so với 26,5% của nhiệm kỳ trước).

01.jpg
Trong Quốc hội Việt Nam, số lượng đại biểu nữ ngày càng tăng

Về giáo dục, tỷ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân đối. Về chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ người dân tăng lên, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam và là nền tảng vững chắc để các cấp, các ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới.

Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Theo báo cáo phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022 của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người cao từ năm 2019 và đã đạt tiến bộ ổn định trong cả ba khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990. Chỉ số bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam (đo lường sự sụt giảm phát triển con người do bất bình đẳng giữa nam và nữ) tiếp tục được cải thiện vào năm 2021. GII của Việt Nam là 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia. Tỷ lệ trẻ em gái đi học và phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng... Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.

Có được kết quả này, các cấp, các ngành đã quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác bình đẳng giới, đây là một trong những điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới. Ngoài ra, sự hợp tác, hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới.

Các cơ quan chức năng đã chú trọng thực hiện công tác truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, nâng cao năng lực về bình đẳng giới từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Các hoạt động nghiên cứu khoa học tạo nền tảng lý luận cho việc đề xuất chính sách, pháp luật về BĐG cũng đã được các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ quan tâm thực hiện trong thời gian qua.

Kiên định thu hẹp khoảng cách giới

Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đề ra mục tiêu: Trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương và giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm lần lượt là 50%, dưới 30% vào năm 2025, và khoảng 60%, dưới 25% năm 2030; tỷ lệ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ đạt ít nhất 27% năm 2025 và 30% năm 2030.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngoài việc giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình được trả công của phụ nữ, các chỉ tiêu đặt ra yêu cầu đến năm 2025, có 80% số người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản và 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn và phấn đấu đến năm 2030 lần lượt đạt được mục tiêu là 90% và 70%...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 vào tháng 11. Chủ đề của tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 là “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ chính sách tới thực tiễn bình đẳng giới tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO