Từ bến Nhà Rồng, Người ra đi tìm đường cứu nước

Vũ Hà| 04/06/2021 09:47

Cách đây 110 năm, vào ngày 5/6/1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh) khi mới vừa tròn 21 tuổi, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Tréville, ra đi tìm đường cứu nước.

Khi cụ Phan Bội Châu quyết định sang Nhật Bản với mục đích kiều viện đã gặp cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác) trên dòng sông Lam và nói chuyện đưa Nguyễn Tất Thành sang Nhật để theo Đông Du, nhưng Nguyễn Tất Thành đã không đồng tình. Đó là mẫn cảm hết sức sáng suốt để sau này Nguyễn Tất Thành lựa chọn sang phương Tây tìm đường cứu nước.

Ảnh tư liệu

Từ Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành nung nấu một ý chí với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Trải qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trên thế giới, với hành trang là lòng yêu nước đã đưa Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920 và xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn.

Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Người đã đi đến kết luận cực kỳ sáng suốt: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức, bóc lột và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”…

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách Mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ Báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc).

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng, nó đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân.   

Quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời và tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là: Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội Việt Nam. Thực tế lịch sử cách mạng nước ta đã chứng minh đó là sự lựa chọn lịch sử, sự lựa chọn duy nhất đúng.

Tại Lễ kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010), do Ðại sứ quán Việt Nam tổ chức ở Pháp, ông  Han đơ-vi-lơ,  Phó Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu: “Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Bác Hồ trở thành công dân của thế giới, đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu”.     

Tổng thống nước Nga Putin đã nói về Bác Hồ kính yêu của chúng ta: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Vì thế nhân loại sẽ mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.  

Có thể nói, con đường cách mạng nước ta và những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh được khởi phát từ cuộc xuất dương tìm đường cứu nước của Người trên Bến cảng Nhà Rồng lịch sử năm xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ bến Nhà Rồng, Người ra đi tìm đường cứu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO