Từ 01/6/2025, người nộp thuế trốn thuế sẽ bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử (Hình từ Internet)
Từ 01/6/2025, người nộp thuế trốn thuế sẽ bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử
Ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2025).
Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP) như sau:
1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc các trường hợp sau ngừng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, ngừng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, ngừng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền:
…
i) Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu cơ quan thuế xác định người nộp thuếcó hành vi trốn thu, người nộp thuế được thành lập để thực hiện mua bán, sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử để trốn thuế theo quy định thì cơ quan thuế ban hành thông báo ngừng sử dụng hóa đơn điện tử; người nộp thuế bị xử lý theo quy định của pháp luật theo trình tự quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
Quy trình thực hiện việc ngừng sử dụng hóa đơn điện tử
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trình tự thực hiện ngừng sử dụng hóa đơn điện tử được thực hiện như sau:
- Trước tiên, cơ quan thuế quản lý trực tiếp gửi thông báo đến người nộp thuế thuộc các trường hợp phải ngừng sử dụng HĐĐT, đề nghị người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin có liên quan đến việc sử dụng hóa đơn.
- Trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan thuế ra thông báo, người nộp thuế phải giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu liên quan bằng 2 cách: giải trình trực tiếp hoặc bổ sung bằng văn bản.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thủ tục cưỡng chế ngưng sử dụng hóa đơn như sau:
- Cơ quan thuế đăng tải quyết định cưỡng chế, thông báo ngừng sử dụng hóa đơn lên trang thông tin điện tử ngành thuế trong vòng 24h kể từ khi ban hành quyết định cưỡng chế.
- Trong thời gian này, Cơ quan thuế không tiếp nhận hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn điện tử của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế, không cấp mã với hóa đơn điện tử có mã, không cấp hóa đơn, bán hóa đơn cho người nộp thuế đang bị cưỡng chế (trừ một số trường hợp đặc biệt)
- Cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt biện pháp cưỡng chế kèm theo thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn. Cùng với đó, Cơ quan thuế sẽ đăng tải trên trang thông tin điện tử ngành thuế, hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về quyết định chấm dứt biện pháp cưỡng chế.
- Trường hợp người nộp thuế đang bị cưỡng chế ngưng sử dụng hóa đơn mà đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn tiền đảm bảo duy trì hoạt động thì: Cơ quan thuế tiếp tục cho sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện nộp ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách Nhà nước.
Đề xuất sửa đổi bổ sung hành vi trốn thuế
Đây là nội dung tại dự thảo đề cương Luật Quản lý thuế mới (thay thế Luật Quản lý thuế 2019). Cụ thể đề xuất sửa đổi bổ sung hành vi trốn thuế tại Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019.
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
- Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan.
- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan quản lý thuế.
- Người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế mà bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Luật Quản lý thuế 2019 đối với trường hợp sau đây:
+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày nhưng không phát sinh số tiền thuế phải nộp,
+ Nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày có phát sinh số tiền thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.
Phạm Việt Trinh