Truyền thông chính sách và câu chuyện "muốn thịt lợn rẻ lên ti vi mà mua"

01/06/2023 15:09

(Chinhphu.vn) – Phát biểu thảo luận tại nghị trường về kinh tế - xã hội, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm về công tác truyền thông chính sách.

Truyền thông chính sách và câu chuyện

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa.

Truyền thông chính sách là phê bình chính sách

Nêu quan điểm về công tác truyền thông chính sách là đưa chính sách đến với người dân, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH Phú yên) cho rằng, điều quan trọng của truyền thông chính sách là phê bình chính sách.

Dẫn lại các câu chuyện "Mẹ Việt Nam Anh hùng được cộng điểm thưởng khi thi đại học" hay quy định người "ngực lép không được lái xe", đại biểu cho rằng: Đây là biểu hiện của thành công trong truyền thông chính sách khi phát hiện ra sai lầm, điểm không đúng của chính sách để sửa chữa.

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, nếu coi truyền thông chính sách chỉ là đưa chính sách đến với người dân thì chính sách có thể sẽ rất hanh thông trên báo chí, nhưng ách tắc thì để bên lề và câu chuyện "muốn mua thịt lợn giá rẻ lên tivi mà mua" sẽ tiếp tục diễn ra.

Truyền thông chính sách và câu chuyện

Đại biểu Phạm Nam Tiến.

Truyền thông chính sách phải tạo sự đồng thuận

Trước đó, phát biểu góp ý về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) cho biết, báo cáo của Chính phủ xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ thứ 10 đặt ra với lĩnh vực thông tin truyền thông với 03 nhiệm vụ then chốt, đó là truyền thông chính sách, ngăn chặn thông tin xấu, độc, tạo đồng thuận xã hội.

Nhấn mạnh về truyền thông tạo sự đồng thuận trong xây dựng, thực thi chính sách, đại biểu Phạm Nam Tiến cho rằng, đây là mấu chốt để thực hiện các nhiệm vụ, các mục tiêu truyền thông khác.

Theo đại biểu, mô hình truyền thông hiệu quả là truyền thông hình thành văn hóa đối thoại, bảo đảm quyền được biết của công chúng, đồng thời xây dựng môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng, thực thi chính sách.

Như vậy, truyền thông phải gắn liền với công tác dân vận, thực hiện dân chủ cơ sở. Truyền thông cần là quá trình đối thoại chính sách, kích thích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, của doanh nghiệp.

Truyền thông chính sách và câu chuyện

Truyền thông tạo sự đồng thuận, góp ý, phản biện chính sách là việc khó

Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông xã hội ngày càng trở nên phổ biến, công chúng ngày càng tiếp nhận thông tin nhiều hơn từ các phương tiện truyền thông xã hội. Những sự cố khủng hoảng truyền thông cũng diễn ra nghiêm trọng hơn thì truyền thông để tạo sự đồng thuận, nhất là góp ý, phản biện chính sách là việc khó, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, đầu tư nguồn lực và cả sự hiểu biết sâu rộng, cách làm mới của những người làm truyền thông.

Nhiều khi vấn đề đặt ra không chỉ là chính sách đúng so với các quy định của pháp luật mà quan trọng hơn là chính sách có khả thi, có hợp lý, có hiệu quả không? Tất cả những điều này đòi hỏi người làm truyền thông không chỉ nắm vững được những vấn đề về chính sách phức tạp mà còn phải có bản lĩnh chuyên nghiệp.

Bên cạnh việc thay đổi nhanh chóng cả về nhận thức và tổ chức bộ máy để thích ứng với môi trường truyền thông số, thực tế đang đòi hỏi các cơ quan truyền thông, bộ máy truyền thông cần đầu tư hơn cho nội dung, có nhiều hơn những tác phẩm truyền thông chất lượng cao và có sức tác động lan tỏa ngày càng lớn, có những mô hình chiến lược truyền thông phù hợp, đa dạng. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận, mới đấu tranh phản bác được thông tin xấu độc, sai sự thật.

Đại biểu đề xuất bổ sung thêm vào nhiệm vụ báo cáo đặt ra cho vấn đề thông tin truyền thông, đó là đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI trong hoạt động thông tin truyền thông để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, chất lượng.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng truyền thông chính sách hiệu quả, truyền thông để có những phản ứng chính sách kịp thời để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan trung ương. Một vài bộ, ngành, địa phương công tác này chưa được quan tâm chú trọng nhiều, vẫn còn coi đó là nhiệm vụ của cơ quan báo chí.

"Thời gian qua, đặc biệt là qua đại dịch COVID-19, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của truyền thông không chỉ tạo ra phản ứng chính sách kịp thời cho những trường hợp cấp bách bất ngờ. Do đó, theo tôi thông tin truyền thông cần có những nhận diện mang tính đột phá, đổi mới đầu tư hơn để thể hiện đúng vị trí, vai trò của công tác này để có thể theo kịp và đáp ứng thực tế cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội", đại biểu nêu ý kiến./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/truyen-thong-chinh-sach-va-cau-chuyen-muon-thit-lon-re-len-ti-vi-ma-mua-119230601150842622.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/truyen-thong-chinh-sach-va-cau-chuyen-muon-thit-lon-re-len-ti-vi-ma-mua-119230601150842622.htm
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Truyền thông chính sách và câu chuyện "muốn thịt lợn rẻ lên ti vi mà mua"
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO