Với chủ đề “Bếp ăn gia đình”, Hội thi có 6 đội đến từ các thôn, bon trên địa bàn xã về tham dự. Mỗi một đội tự lựa chọn những món ăn đặc sắc của dân tộc mình, nhất là món ăn truyền thống được chế biến vào mỗi dịp lễ, tết để thiết đãi khách. Các món ăn đều sử dụng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường từ thực phẩm chính đến các loại gia vị. Các món ăn được chế biến trực tiếp ngay tại Hội thi tạo nên không khí sôi nổi tranh tài và gây tò mò với thực khách.
Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo của các đội thi, các mâm cơm dự thi rất đa dạng về món ăn, đậm đà bản sắc, hương vị đặc trưng riêng của từng dân tộc. Các món ăn đều được các đội thuyết trình, giới thiệu cách chế biến và ý nghĩa của từng món ăn đối với đời sống văn hóa của dân tộc mình… thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân lẫn du khách.
Điển hình như bon Jốk Ju đã mang đến cho hội thi những món ăn đặc trưng của người M’nông như đọt mây luộc, canh thụt, khổ qua rừng xào thịt.
Mỗi mâm cơm đại diện cho ẩm thực đặc trưng của từng đồng bào dân tộc thiểu số |
Chị H’Nghiêm, bon Yốk Ju cho hay: “Tôi rất vui vì đại diện cho bà con người M'nông bon Yốk Ju tham dự hội thi ẩm thực này, bởi qua đây, những món ăn truyền thống dân dã của người M'nông được mọi người biết đến. Vui hơn là chúng tôi còn biết được nhiều món ăn cũng như cách chế biến độc đáo của các dân tộc anh em khác. Từ đó, chúng tôi ý thức hơn sự cần thiết phải gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Còn bà con người Tày, Dao ở thôn Tân Lập đã mang đến món xôi đồ ngũ sắc, khâu nhục, thịt nhồi măng…
Các món ăn của bà con dân tộc Thái được chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Các loại thịt trâu, bò, cá, gà được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ và cẩn thận. Gia vị để ướp là hạt “mắc khén” (một dạng hạt tiêu rừng), ớt, tỏi, gừng, muối… Chị Phạm Thị Bút ở thôn Thanh Thái cho hay: “Tất cả các món ăn trong mâm cỗ đều rất quen thuộc với người Thái. Mỗi món ăn đều có ý nghĩa, đặc trưng riêng, đều xuất hiện trong các bữa cơm gia đình hay mỗi khi đãi khách. Chúng tôi đến đây với mong muốn được truyền tải, giới thiệu với các đoàn bạn nét văn hóa của dân tộc mình thông qua các món ăn” .
Các món ăn đều sử dụng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường từ thực phẩm chính đến các loại gia vị và được chế biến ngay tại Hội thi |
Theo đánh giá của Ban tổ chức, các đội đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tìm tòi, sáng tạo khi mang đến nhiều món ăn tuy dân dã nhưng hấp dẫn, đậm sắc thái vùng miền. Bằng bàn tay khéo léo cùng với nguyên liệu sẵn có của địa phương, các món ăn dự thi không chỉ bảo đảm chất lượng mà còn mang tính thẩm mỹ, truyền tải hữu hiệu nhất nét văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Nâm Nung.
Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết: “Cuộc sống ngày càng phát triển nên người dân ít quan tâm và ít biết đến những món ăn truyền thống của dân tộc mình. Do đó, việc tổ chức Hội thi là dịp để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn cùng du khách giao lưu, quảng bá những nét văn hóa ẩm thực truyền thống đặc sắc của các dân tộc xã Nâm Nung nói riêng và mảnh đất Krông Nô nói chung. Đây cũng là dịp để các dân tộc anh em học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
Cùng với Khu di tích lịch sử cách mạng B4, cộng thêm sự đa dạng trong ẩm thực của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, sẽ là tiền đề để địa phương xây dựng, phát triển các sản phẩm, mô hình du lịch cộng đồng, thu hút du khách khi đến với vùng đất giàu truyền thống cách mạng Nâm Nung.