Truyện ngắn: Nối dài những yêu thương

16/07/2021 08:02

Tác giả: Đào Thu Hà

Đã quá trưa mà ông Thanh cứ ngồi thần người bên thềm nhà, không nghe tiếng bà Thư giục vào ăn cơm. Cả tuần này, sáng nào ông cũng theo dõi tin tức qua đài tiếng nói, qua chương trình thời sự trên ti vi. Những ca nhiễm Covid-19 tăng lên, có thêm các tỉnh thành có người nhiễm Covid - 19, đặc biệt là ở TP.Hồ Chí Minh. Ông nghe thời sự nói TP.Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, những người lao động nghèo, những người công nhân, những người bán vé số mưu sinh đã vất vả nay lại càng vất vả hơn. Thành phố bị “ốm”, ông nóng ruột, muốn được làm một điều gì đấy để góp sức với thành phố đượm tình người ấy.

Minh họa: Ngọc Tâm

Ông từng là một người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày ấy, người lính trẻ mới đôi mươi có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn đã nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt của các bà, các má, các cô, các chị miền Nam hiền lành, chân chất, thật thà. Có người má ôm lấy anh bộ đội Thanh, mừng mừng tủi tủi nói trong nước mắt rằng cuối cùng má cũng đợi được đến ngày giải phóng. Con má hy sinh năm Mậu Thân, lúc ấy anh cũng mới đôi mươi. Để má ôm Thanh cho đỡ nhớ anh, để má như được chia sẻ niềm hạnh phúc với anh, như được ôm anh trong ngày chiến thắng. Sau giải phóng, ông Thanh xuất ngũ về quê cưới vợ, sinh con. Cuộc sống vất vả, khó khăn, một người đồng đội cũ rủ ông vào Tây Nguyên sinh sống, làm ăn tìm cách thoát nghèo. Ít có dịp lên TP.Hồ Chí Minh, nhưng ông cứ nhớ mãi tình đất, tình người của thành phố hiện đại nhất cả nước ấy.

Mà làm sao quên được, gia đình ông có được sự ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, ngoài nghĩa tình của mảnh đất Nam Tây Nguyên màu mỡ, rộng lớn còn nhờ một phần từ tấm lòng của người dân thành phố. Nhớ những ngày đầu mới vào Tây Nguyên lập nghiệp, hai ông bà và mấy đứa con nheo nhóc. Người đồng đội cũ bán chịu cho mấy sào rẫy, khi nào có tiền mới trả. Vợ chồng ông chịu khó, chắt chiu nhưng trời chưa chiều lòng người, năm thì mất mùa, năm vợ ốm, năm lại sụt giá nên cái nghèo cứ đeo đẳng. Có năm, tết đến nơi rồi mà nhà ông chưa sắm sửa được cái gì, nhìn mấy đứa con háo hức mà vợ chồng ông nhìn nhau ứa nước mắt. Người bạn cũng cho vài ký gạo nếp để gói bánh, nhưng nhà bạn cũng vừa mới hết vất vả được vài năm, cứ nhờ bạn mãi ông cũng thấy ngại. Nhờ những đoàn từ thiện từ TP.Hồ Chí Minh về mà các con ông có tấm áo mới, gói mứt đón tết. Lại có lần, vợ ông đi khám bệnh dưới thành phố, chẳng may làm mất tiền, bà ngồi khóc nức nở bên vỉa hè. Những người dân quanh đấy xúm lại hỏi han, biết chuyện mỗi người góp ủng hộ bà một ít để đủ tiền khám bệnh và đón xe về. Từ người bán bánh mì, người bán vé số, cô lao công đến anh xe ôm. Rồi con gái lớn của ông được học đại học cũng nhờ các quỹ học bổng. Con bé học xong đại học, học tập kinh nghiệm ở các trang trại mấy năm rồi về nhà, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển đổi cây trồng cho năng suất cao, cây ăn quả, rau sạch trên chính mảnh đất của gia đình rồi hướng dẫn các hộ xung quanh. Bây giờ, gia đình ông đã khấm khá, bắt đầu có của ăn của để. Mấy đứa con của ông đều được học hành tới nơi tới chốn, đứa làm trên huyện, đứa chọn ở lại TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Các hộ dân ở thôn cũng đã vươn lên thoát nghèo. Ân tình ông nhận được sâu nặng như thế, làm sao ông có thể làm ngơ khi thành phố bị dịch bệnh khó khăn.

Mà chẳng riêng gì gia đình ông, gia đình các hộ dân ở thôn ông ở cũng cứ khen người thành phố sao mà tốt bụng, sao mà nhân hậu mãi. Cái trường mầm non các cháu đang học là gia đình ông và mấy hộ xung quanh hiến đất, địa phương hỗ trợ một phần kinh phí và đi vận động để xây dựng. Ngày trước trường ở tận ngoài thị trấn. Đứa trẻ nào ở thôn đến trường cũng phải đi bộ cả chục cây số. Chúng dậy từ bốn giờ sáng, dắt díu nhau đi học, đến hơn bảy giờ tối mới về đến nhà. Đấy là nhà có điều kiện cho con đi học, còn nhà không có điều kiện đành phải để ở nhà. Những đứa trẻ ở thôn đều không được đi học mầm non. Chúng lang thang, lê la khắp, nóng nực thì rủ nhau ra suối tắm. Đã có những tai nạn thương tâm xảy ra. Nhưng người lớn cũng đành tặc lưỡi, không đi làm, ở nhà trông con thì cả nhà chết đói. Ông và người dân đề xuất với chính quyền địa phương, đồng ý hiến đất để xây trường. Đoàn xã kêu gọi kinh phí từ các nguồn xã hội hóa. Một đoàn thiện nguyện từ các cựu chiến binh đang sinh sống tại Thành phố nhận giúp đỡ. Chỉ mấy tháng, một điểm trường mầm non khang trang được xây dựng lên. Không những có phòng học, điểm trường còn có phòng ăn bán trú, có nhà vệ sinh sạch sẽ và sân chơi. Những bức tường được các anh chị sinh viên tình nguyện trang trí bằng những bức tranh tươi sáng, rực rỡ sắc màu. Sân chơi được các anh chị đoàn viên thanh niên xây dựng từ lốp xe cũ, từ những khung sắt được hàn xì chắc chắn và phun sơn. Ngày khánh thành trường, nhìn trẻ con vui tươi nô đùa mà ông và mấy người già trong thôn cay mắt. Chiều chiều, ông nhìn những cháu nhỏ chơi xích đu, cầu trượt, tiếng cười của chúng rộn rã khắp cả sân trường…

Bà Thư gọi ông mãi chẳng được, bước ra hiên, khẽ lay vai ông:

- Ông nghĩ gì thần cả người ra thế, tôi gọi mãi mà ông không nghe à.

Ông Thanh nhẹ nhàng:

- Bà đói thì ăn cơm trước đi, tôi chẳng muốn ăn bà ạ. Tôi xem tin tức trên báo chí mà sốt hết cả ruột, lại chẳng biết phải làm gì.

Bà Thư chìa cái điện thoại:

- Ông xem có đóng góp gì không, tôi thấy báo đưa tin tỉnh mình kêu gọi hỗ trợ người dân ở vùng dịch TP. Hồ Chí Minh, nhất là nhóm lao động nghèo đang sinh sống, làm việc tại thành phố. Hôm trước tỉnh mình cũng ủng hộ được ba tấn rau củ rồi đó. Mấy bác tài xế xe tải chở miễn phí luôn.

Ông Thanh vội nhỏm dậy:

- Đâu, bà đưa tôi xem nào. Bà dạo này còn biết lên mạng đọc báo bằng điện thoại cơ à? Bà lấy hộ tôi cái kính với.

Ông Thanh chăm chú đọc từng dòng chữ rồi reo lên:

- Phải thế chứ, tôi đang lo mãi không biết phải giúp bằng cách nào. Bây giờ thì dễ rồi, bà xem vườn bí đỏ nhà mình còn bao nhiêu cắt hết, mấy luống rau cải cũng nhổ rồi bó lại. Còn cả trứng gà nữa, bà đừng bán để ủng hộ hết đi. Không biết có gửi được thịt không, gửi được là tôi thịt luôn con heo trong chuồng để ủng hộ. Để tôi gọi thằng Thiên mai tranh thủ chạy về chở lên tỉnh giúp tôi nữa.

Bà Thư mỉm cười nhìn chồng:

- Ông cứ bình tĩnh đã nào, làm gì phải rối lên thế. Theo tôi, ông cứ đi sang nhà bác trưởng thôn, hỏi bác ấy xem các hộ dân ở thôn mình có ủng hộ gì nữa không rồi chở đi một thể. Hôm trước ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid - 19 tôi thấy bà con thôn mình cũng ủng hộ nhiệt tình lắm. Nhưng mà trước hết, ông vào ăn cơm đã. Cơm canh tôi dọn nguội hết cả rồi. Có thực mới vực được đạo ông ạ. Ăn lấy sức mà còn đi ủng hộ chứ.

Ông Thanh bước vào nhà. Điện thoại của ông đổ chuông. Con bé Thảo đang làm ở thành phố gọi về, báo con đã viết đơn tham gia đội thanh niên tình nguyện phòng chống dịch Covid-19. Hôm qua, con cũng các bạn trong đội đi phát rau củ, gạo, trứng cho công nhân ở các phòng trọ. Rau củ từ tỉnh mình gửi lên, tươi ngon và sạch, mọi người đều thích bố ạ. Đợt này con tham gia tình nguyện phòng chống Covid-19 sẽ ít có thời gian gọi điện về, bố mẹ không phải lo cho con.

Ông Thanh bước vào nhà, ngồi xuống bàn ăn. Nghe con nói, ông cảm giác như mình đã no chẳng cần ăn cơm nữa. Nhưng bà Thư nói đúng, có thực mới vực được đạo. Ông ăn nhanh để còn chạy sang bàn với bác Tiến trưởng thôn đi thông báo, vận động bà con ủng hộ thành phố vượt qua khó khăn này. Mảnh đất cao nguyên đã nhận được biết bao tình yêu thương từ thành phố và các tỉnh bạn, bây giờ là lúc đáp lại và lan tỏa cho những yêu thương ấy nối dài mãi, như hương thơm bay xa…

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/truyen-ngan-noi-dai-nhung-yeu-thuong-87655.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/truyen-ngan-noi-dai-nhung-yeu-thuong-87655.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Truyện ngắn: Nối dài những yêu thương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO