Tranh thủ thời gian nghỉ trưa ít ỏi, bà Hoa lấy hộp cơm ra ăn. Hộp cơm ông chuẩn bị rồi nhờ người mang ra trạm y tế phường gửi cho bà. Gần hai tháng nay bà không về nhà, ông ở cùng vợ chồng đứa con gái út gần đấy, trông cháu, kèm cháu học trực tuyến lúc bố mẹ nó đi làm, đi trực. Mới tối qua ông nhắn tin khoe dạo này “trình độ” nấu ăn đã tăng vượt bậc, đứa cháu ngoại học lớp ba khen ông nội nấu ăn “ngon hơn cả mẹ cháu nấu”. Ông còn bảo đã học nấu được món ốc nấu chuối đậu bà thích, hôm nào bà về nhất định ông sẽ nấu cho bà ăn. Bà nghĩ đến tin nhắn ông gửi, xúc cơm ăn, khẽ mỉm cười. Hộp cơm đã hơi nguội vì để lâu, hạt cơm cứng lại, rời rạc nhưng phần vì đói, phần vì tình cảm của ông, bà vẫn thấy ngon miệng.
Lau mồ hôi lấm tấm trên trán, vén gọn lại mái tóc đã bạc quá nửa, bà Hoa mặc bộ đồ bảo hộ, chuẩn bị công việc buổi chiều. Từ lúc dịch bùng phát tại một số địa phương trong cả nước, nhiều đêm bà không tài nào ngủ được. Bà xem ti vi, thấy những con phố vắng lặng, những con hẻm dựng rào chắn. Hình ảnh các y bác sĩ kín mít trong các bộ đồ bảo hộ, căng thẳng, mệt mỏi, có người ngất xỉu vì mất ngủ, kiệt sức khiến bà trăn trở, day dứt. Bà thấy mình không thể ngồi yên. Bà bàn với ông và các con trích tiền tiết kiệm hai ông bà định dành dưỡng già để đóng góp mua khẩu trang, đồ bảo hộ. Rồi tỉnh nhà có những ca nhiễm đầu tiên, đội ngũ y bác sĩ của tỉnh thức xuyên đêm đi truy vết. Bà quyết định viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch. Về hưu mấy năm, đã có tuổi nhưng bà vẫn muốn được chia sẻ, góp sức cùng đồng nghiệp. Không còn nhanh nhẹn, xốc vác được như các bác sĩ trẻ để đăng ký lên tuyến đầu, bà tình nguyện cùng đồng nghiệp tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho cộng đồng, điều động cấp cứu sau tiêm cho người dân. Công việc bận rộn suốt từ sáng, có ngày kéo dài đến tối nên bà ở lại bệnh viện, ở lại trạm y tế phường cho thuận tiện. Bởi vậy mà gần hai tháng nay, bà không về nhà. Lúc bà viết đơn tình nguyện, đứa con gái út phản đối:
- Mẹ đã có tuổi rồi, cống hiến mấy chục năm, giờ nghỉ ngơi cũng không ai trách được. Dịch bệnh nguy hiểm, nhỡ ra… Nhà mình cũng đóng góp sức người, sức của vào công tác phòng chống dịch rồi. Với lại còn cháu, nhà con hai vợ chồng đều bận công tác cả, thiếu mẹ, con chẳng biết xoay làm sao.
Cô con dâu của bà cùng góp ý:
- Mẹ vất vả cả đời rồi, giờ mẹ nghỉ ngơi cũng không ai chê trách đâu ạ. Chồng con sắp tới chắc cũng theo đoàn y bác sĩ của tỉnh đi chi viện cho các tỉnh phía Nam. Mẹ cũng xung phong, anh ấy sẽ lo lắng mẹ ạ.
Bà biết con gái, con dâu bà sốt ruột, lo lắng cho bà nên mới nói thế. Chồng con gái bà là bộ đội biên phòng, từ lúc dịch bùng phát đến giờ cũng bám chốt biên giới, lâu lắm chưa được về nhà. Nó cũng là đứa xông xáo, nhiệt tình với các hoạt động phong trào, thường xuyên đi nấu cơm hỗ trợ các điểm cách ly, vận động kêu gọi rau củ, trái cây gửi ủng hộ người dân các tỉnh phía Nam. Còn con dâu bà, những ngày qua cũng chẳng nề hà cùng hội phụ nữ làm tai giả đeo khẩu trang, kêu gọi ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bà nhẹ nhàng:
- Biết là vậy nhưng bây giờ đội ngũ y tế thiếu, công tác chống dịch khó khăn. Mẹ có chuyên môn, sức khỏe vẫn còn bảo đảm, làm sao mà ngồi yên được.
Ông cũng ủng hộ bà:
- Bố thấy mẹ nói đúng, con cứ để mẹ làm điều mẹ muốn. Mọi người cũng sẽ sắp xếp công việc phù hợp cho mẹ thôi. Mấy năm nay mẹ về hưu, quanh quẩn trong nhà, bố thấy mẹ cũng nhớ nghề lắm. Với lại mẹ là bác sĩ, thấy dịch bệnh làm sao mà ngồi yên được. Cháu thì bố trông. Học online bố cũng kèm được. Chẳng gì bố cũng là cựu chiến binh đấy nhé. Không có việc gì mà bộ đội Cụ Hồ không làm được cả.
Ông nói rồi nắm tay bà, động viên:
- Lúc còn trẻ, tôi quanh năm suốt tháng xa nhà, một mình bà lo lắng chu toàn hết mọi việc. Chả nhẽ giờ nghỉ hưu, thảnh thơi hơn rồi, bà muốn cống hiến thêm tôi lại ngăn cản. Bà cứ yên tâm.
Minh họa: Ngọc Tâm |
Nói được làm được, ông nhờ đứa con gái chỉ cho cách mở máy tính, cập nhật phần mềm để ở nhà kèm cháu học online. Ông lên mạng tìm công thức nấu đồ ăn sao cho vừa ngon, bổ mà phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình trong mùa dịch. Lúc bà tăng cường ở bệnh viện, ông không gửi đồ ăn vào được vì thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Khi tình hình dịch được kiểm soát, bà về phường hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Covid-19, ngày nào ông cũng nấu đồ ăn gửi con gái trên đường đi làm mang qua trạm y tế phường cho bà. Mấy cô nhân viên y tế ở trạm suốt ngày trêu ghen tị với bà, ông chiều bà chẳng khác gì vợ chồng son, thảo nào mà nhìn bà trẻ, chẳng ai nghĩ là bà đã về hưu. Bà mặc đồ bảo hộ vào, chẳng ai có thể biết được tuổi thật của bà nếu không nhìn thấy mái tóc đã bạc. Bà cười, khuôn mặt ửng hồng vì những lời trêu chọc. Ông bà bây giờ đúng là “vợ chồng son” thật. Ngày còn trẻ, ông là bộ đội nên cũng đi công tác suốt, quanh năm xa nhà. Nay ở tỉnh phía Bắc, mai lại được điều động về các tỉnh phía Nam.
Con cái, gia đình, ông bà nội ngoại hai bên một tay bà cáng đáng chăm sóc. Cũng may bố mẹ chồng thương bà nên cũng đỡ đần bà những lúc đêm hôm phải đi trực cấp cứu. Hai người con của bà cũng ngoan ngoãn, bảo ban nhau học hành, phấn đấu và có công việc ổn định. Hai vợ chồng bà cứ cách xa nhau đằng đẵng cho đến lúc ông về hưu mới được gần nhau. Có lẽ bởi vậy mà ông quan tâm, chiều chuộng và chăm sóc cho bà để bù đắp lại những năm tháng xa cách.
Đồng nghiệp ở bệnh viện khi biết tin bà cùng tham gia chống dịch, ai cũng mừng. Nguồn nhân lực thiếu, bệnh viện cũng đã cử một đội ngũ y bác sĩ lên đường hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam. Thêm người thêm sức, có thêm bà cùng các bác sĩ đã về hưu khác hỗ trợ, san sẻ, những khó khăn dường như cũng vơi bớt đi một phần. Đặc biệt đợt này, tỉnh ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho những người cao tuổi. Nhiều người vì tuổi cao, lại lo lắng, hồi hộp nên khi đến tiêm thì huyết áp tăng cao, bà cùng các đồng nghiệp lại động viên, trò chuyện để tạo tâm lý thoải mái. Rồi theo dõi, tư vấn cho mọi người sau khi tiêm xong. Mỗi ngày, khi hoàn thành công việc, dù mệt mỏi nhưng bà lại thấy mình như trẻ ra, được tiếp thêm sức mạnh, tin tưởng vào ngày dịch bệnh bị đẩy lùi không xa.
Tiêm xong cho người cuối cùng, bà sắp xếp lại dụng cụ thì cô Hương, trạm trưởng háo hức khoe bà:
- Cô ơi, có phải anh Hùng nhà mình không? Con thấy trên báo tỉnh đăng ảnh anh ấy này. Trên đồ bảo hộ viết “bác sĩ Hùng - Đắk Nông”.
Bà nhìn tấm ảnh trên điện thoại. Người bác sĩ tên Hùng đưa hai ngón tay làm dấu chiến thắng. Bộ đồ bảo hộ kín mít, chẳng biết có phải con trai bà hay là bác sĩ khác trong đoàn trùng tên. Nhưng bà vẫn ngắm tấm ảnh thật lâu và thật tự hào. Dù là con trai bà hay là bác sĩ nào khác, thì đấy cũng là những bác sĩ của Nhân dân, những người con của mảnh đất cao nguyên sẵn sàng lên đường giúp sức cùng các tỉnh bạn chống dịch. Thi thoảng, tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, con trai bà vẫn nhắn tin, động viên gia đình yên tâm. Có lúc, nó làm nũng như trẻ con “Con thèm ăn canh cua mẹ nấu. Chờ ngày con về, mẹ phải nấu cho con ăn đúng một tuần cho đã thèm, mẹ nhé”.
Ông gọi điện, mấy đứa cháu đòi gặp bà, hớn hở khoe ngày mai sẽ được đến trường, không học online nữa. Lớp cháu chia làm hai ca, một nửa lớp học sáng, một nửa lớp học chiều. Chúng bảo sẽ học thật chăm để mấy hôm nữa về khoe với bà điểm tốt.
Bà nhìn mấy ông cháu qua màn hình điện thoại. Dịch bệnh đã được kiểm soát, các ca nhiễm đã giảm, số người dân được tiêm vắc xin đã nhiều lên. Ngày cuộc sống bình thường sẽ chẳng còn xa nữa, bà tin thế.
Chẳng biết nhành hoa nào trong khuôn viên trạm y tế tỏa hương dịu dàng, hương bay xa, thơm ngát.