Sau nhiều ngày dài mưa rả rích, sáng nay, trời cũng đã có chút ánh nắng. Ánh sáng sau cơn mưa ấm áp, đem đến cho con người cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tạm ổn, cuộc sống dần quay trở lại bình thường, con người cũng dễ thở hơn. Bà Hòa tranh thủ nắng ráo, đem đồ đạc ra sân phơi.
- Bão tan rồi nên nay nắng đẹp quá bà Hòa nhỉ. Tiếng bà Lan, hàng xóm vừa đi bộ ghé vào.
Bà Hòa mỉm cười, vội vàng ra mở cổng.
- Tôi tranh thủ có nắng đem quần áo của mấy đứa nhỏ phơi cho khô ráo. Tuần vừa rồi mưa suốt, quần áo không khô được, ẩm mốc hết bà ạ. Nay bà đi bộ lại à.
- Tôi đi bộ rồi tiện ghé qua chợ mua đồ ăn luôn. Sau nhiều tuần làm không nghỉ, ngày đêm truy vết Covid-19, nay con dâu tôi được nghỉ trực ở nhà trông cháu nên tôi thảnh thơi chút. Mấy đứa nhà bà đi làm hết rồi à.
- Vâng, mấy đứa đi làm từ sớm. Con bé đầu thì sáng nay đi học. Khổ, dịch bệnh, lớp học phải chia đôi, ngày học, ngày nghỉ. Còn bé thứ hai thì đang ngủ. Mời bà vào ngồi chơi đã.
- Được rồi, tôi ngồi ở bậc thềm này chút, bà cứ làm đi. Ngoài này có chút nắng ấm. Mà bây giờ nghe nói một số tuyến xe được phép hoạt động lại rồi đấy, bà có tính về dưới nhà không?
- Tôi cũng dự định về. Từ ngày con nó sinh cháu, lên phụ giúp nó rồi gặp dịch Covid-19 nữa là ở đất Tây Nguyên này luôn, để ông ở nhà một mình dưới quê. Tôi đang bảo các con sắp xếp gửi cháu để tôi về với ông nó ít hôm. Năm nay nghe nói nhà tôi có khách. Một số anh em bộ đội ghé nhà chơi.
- Ông nhà từng đi bộ đội à bà?
- Không, ông ấy là y tá, từng chăm sóc cho các đồng chí bộ đội thuộc đoàn vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Hôm rồi, ông gọi điện lên bảo, nếu tình hình dịch Covid-19 kiểm soát tốt, ổn ổn thì một số cựu chiến binh về Hà Nội làm lễ báo công, vào Lăng viếng Bác và gặp mặt, báo cáo với Chủ tịch nước, trước khi quay vào Nam có ghé thăm gia đình tôi.
Minh họa: Ngọc Tâm |
Nghe đến đây thì hai hàng nước mắt của bà Lan chảy xuống. Bà Hòa không hiểu chuyện gì liền cuống quýt.
- Ấy chết, bà làm sao thế? Tôi nói gì sai sao?
Lấy khăn chấm nước mắt, bà Lan nghẹn ngào.
- Bà không nói gì sai. Chỉ là tôi nghe đến Đường Hồ Chí Minh trên biển thì lại nhớ anh trai. Tôi có người anh trai cũng từng tham gia lực lượng vận chuyển Đường Hồ Chí Minh trên biển. Nhưng không may, anh ấy đã hy sinh năm 1968. Anh ấy còn trẻ lại chưa có vợ con. Gia đình chỉ có mình anh là con trai nên khi mới nghe tin, mẹ tôi khóc nhiều lắm. Sau này, gia đình có vào nghĩa trang một số tỉnh miền Nam tìm nhưng không có kết quả. Đồng đội cũ thì chẳng biết còn những ai, cũng không liên lạc được nên mọi thông tin về anh cũng chẳng có. Mẹ tôi buồn rầu, sinh bệnh, người yếu hẳn đi. Tôi nghe kể lại, tàu của anh trai khi vào đến bến tập kết thì bị địch phát hiện, truy kích, bao vây. Các anh khi ấy đã chiến đấu rất kiên cường. Dù bị địch tấn công, các anh vẫn tỉnh táo quyết định kích nổ tàu, không để lại dấu vết. Anh trai tôi và nhiều đồng đội khác đã chiến đấu đến cùng, quyết bảo đảm bí mật cho tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển.
- Năm 1968 à, bà nhớ có chính xác không?
- Đúng, cháu trai tôi ở quê mới gọi điện, một số anh em đồng đội trên tàu may mắn còn sống, hôm qua ghé thăm gia đình, thắp nhang cho anh trai kể lại rất tỉ mỉ. Tôi nghe tên địa danh tàu gặp nạn thì nhớ là nhà bà hiện tại dưới quê cũng ở vùng biển đấy.
- Nếu là năm đó và ở đó thì đúng là nơi tôi ở. Thời điểm đó, tôi đã tận mắt chứng kiến sự việc.
- Vậy sao? Mừng quá, vậy là gia đình tôi lại thêm cơ hội tìm được mộ của anh trai. Bà kể cho tôi nghe rõ hơn được không?
Bà Hòa nhẹ nhàng ngồi xuống bên bà Lan, ánh mắt nhìn về phía xa xăm. Ký ức ùa về hiện rõ từng phân đoạn trong cuốn phim hào hùng một thuở. Nửa đêm, đứng trước biển, gió thổi mạnh từng cơn, các con sóng nối tiếp nhau vỗ ào ào vào bờ. Dưới ánh trăng mờ mờ ảo ảo, bà nhìn thấy con tàu của bộ đội Việt Nam đang bị bao vây. Từ ngoài khơi tàu địch lầm lũi tiến vào, 3 tàu lớn vòng ngoài, 4 tàu nhỏ vòng trong tạo thành thế bao vây khép kín. Trên không, địch huy động máy bay lên thẳng yểm trợ. Máy bay địch thả pháo sáng rực cả bầu trời. Địch nổ súng xối xả để thị uy. Mặc cho bom đạn, tàu vẫn lừng lững tiến vào gần bờ. Khi tàu gần bờ thì một cột lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ dữ dội chấn động cả vùng biển, hất tung một nửa thân tàu lên triền núi gần đó...
Giọng bà Hoa chầm chậm:
- Sau giây phút sáng đỏ rực cả bầu trời, bọn địch vẫn điều thêm máy bay bắn phá dọc ven bờ. Có cả một đội quân của địch đổ bộ lên bờ nhằm truy quét tận cùng những thủy thủ của ta, chúng tôi ở trên đất liền được giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng. Khi tàu vào, địch công kích liên tục vào bến, đốt phá cả trạm y tế nên không thể nào ra được. Đồng đội trực ở bến cũng phải tứ tán, tránh bị địch phát hiện. Tôi chạy vào rừng và bị lạc ở đó mất mấy ngày. Ngày ấy, tôi còn trẻ nhất trong đội nên sức khỏe còn tốt. Khi đang tìm đường về nhà, tôi đã gặp một vài người trong số các thủy thủ may mắn sống sót và cố gắng đưa các anh về trạm y tế. Khi về đến nơi, các anh chỉ còn da bọc xương, hai hốc mắt trũng sâu vì nhịn đói, nhịn khát nhiều ngày. Khi đó, toàn bộ lương thực, thực phẩm đều đã bị địch đốt sạch. Tất cả phải sống nhờ vào khoai mài mà vẫn không đủ no. Ban đầu khoai mài còn nhiều, chúng tôi luộc cho các anh ăn, về sau đào được ít quá nên phải chuyển sang nấu cháo. Hồi đó, muỗi rất nhiều, thương các chiến sĩ sức còn yếu, mỗi lúc rảnh rỗi, tôi lại đi lượm dù pháo sáng của địch mang về may cho mỗi chiến sĩ một cái bao, khi ngủ đem ra dùng cho khỏi muỗi. Sau này, các anh ấy vẫn giữ làm kỷ niệm. Cả tàu chỉ còn vài người sống sót, còn những người khác thì… Nói đến đây, bà Hoa dừng lại, lời nói như bị mắc nghẹn trong cổ họng, không nói được thêm, khóe mắt cay cay.
Bà Lan nắm tay bà Hòa thật chặt, đôi mắt ngân ngấn nước:
- Anh trai tôi, bà có biết anh ấy được chôn ở đâu không?
- Năm ấy, sau khi địch rút, người làng đã tìm đến nơi các anh chiến đấu. Những thủy thủ hy sinh trong trận đó, thi thể hầu như không còn nguyên vẹn do địch gom lại đổ xăng đốt. Bà con đã đưa họ về làng chôn cất. Bây giờ muốn xác nhận đúng thì còn phải thử ADN nữa bà ạ. Bà khi nào sắp xếp xuống dưới đó cùng tôi một chuyến, tôi sẽ giúp bà tìm lại mộ phần của anh trai bà.
- Chắc chắn dịp này tôi phải xuống tìm lại bằng được anh trai tôi. Lâu nay vẫn đi tìm mà không xác định được địa điểm rõ ràng. Nay có đồng đội tìm về, tôi phải quyết tâm tìm lại cho bằng được. Anh trai tôi chắc cũng muốn về quê hương nên cho tôi gặp bà. Bà Lan rưng rưng.
- Khi hòa bình lập lại, chúng tôi vẫn trăn trở lắm. Nhớ đến các anh đã hy sinh, ông xã tôi và tôi đã mạnh dạn xin phép chính quyền địa phương xây thêm một nhà thờ bên trong Đài tưởng niệm liệt sĩ để thắp hương cho các liệt sĩ. Từ khi nhà thờ được xây dựng xong, vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, vợ chồng tôi đều mua hương hoa đến lễ. Hằng năm, vào ngày các thủy thủ ngã xuống, vợ chồng tôi đều đến khu vực tàu bị phá hủy để cúng lễ, tưởng nhớ các anh.
- Ông bà thật tốt quá. Hy vọng, anh trai tôi ở dưới suối vàng cũng đỡ tủi thân. Chúng tôi ở xa, mãi không tìm được nên cũng chỉ cúng giỗ ở xa. Bà Lan vẫn cầm tay bà Hòa nghẹn ngào.
- Đó là việc chúng tôi đau đáu, muốn làm, là nghĩa tình của những người còn sống với những người đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường đến giây phút cuối cùng. Những năm trước, cứ vào dịp tháng 10, kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, thân nhân một số gia đình liệt sĩ và đồng đội cũ có ghé vào thắp nhang cho người thân và đồng đội. Một số thân nhân đã nhiều lần ghé vào, họ liên lạc với gia đình tôi, nhiều người chọn nhà tôi để nghỉ lại. Ông xã tôi và tôi đều rất vui. Chúng tôi từng nêu ý kiến, nếu các thân nhân liệt sĩ quen biết nhau, có dịp thu xếp cùng vào thăm viếng sẽ thấy ấm áp hơn. Mọi người cũng thấy hợp lý. Cách đây 3 năm, các thủy thủ còn sống và thân nhân các gia đình liệt sĩ có ghé qua nhà, nghỉ lại, không khí rất ấm áp. Mọi người giao lưu, sẻ chia kỷ niệm.
- Gia đình tôi luôn tự hào là thân nhân liệt sĩ, tự hào về anh trai. Dịp này chắc chắn tôi sẽ đi, bà thông thuộc nơi đó, giúp tôi nhé.
- Đương nhiên rồi. Mà bà đã tiêm xong 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 chưa? Cuối tuần vừa rồi tôi tiêm được xong mũi 2 rồi đấy.
- Tôi tiêm hai mũi rồi bà, theo diện người cao tuổi và có bệnh nền. Bây giờ muốn đi đâu cứ phải tiêm đầy đủ vắc xin cho yên tâm bà ạ.
Mặt trời hiện ra, tỏa ánh sáng rực rỡ. Ánh nắng ban mai len vào từng góc sân xua đi ẩm ướt, rêu phong. Đám mây trắng đùa vui với gió. Mấy chú chim bay ra hót râm ran giữa bầu trời trong xanh. Không gian những ngày hòa bình, bớt nỗi lo dịch bệnh trong lành đến tuyệt vời. Vườn cây trước nhà được cơn mưa tưới tắm, lá không một chút bụi, tràn trề sức sống. Mấy khóm hoa vươn mình hướng về phía mặt trời phô hương khoe sắc. Hai người phụ nữ vẫn nắm chặt tay nhau, không ruột rà, máu mủ nhưng lại tìm thấy sự đồng điệu, gắn kết bởi nghĩa tình.