Cha không đón tôi dù chuyến đi trở về nhà của tôi rất chật vật. Cha bảo tôi cứ đi thẳng vào rẫy, ở trong chiếc chòi canh rẫy hết mười bốn ngày, đủ thời gian cách ly. Mọi thứ được chuẩn bị sẵn. Tôi có thể sống ở đó cả tháng. Đêm đầu tiên ở rẫy, tôi đã ngủ giấc ngon một mạch đến sáng. Sung sướng vì không phải giật thon thót bởi tiếng xe cứu thương hú còi liên tục như mới ngày hôm qua ở S.
Minh họa: Ngọc Tâm |
Sớm mai ở rẫy rất yên ắng. Đủ để tiếng chim ríu rít đâu đó sau những tán cây, cặp bồ câu đang gù nhau nơi gờ của chuồng chim đóng bằng gỗ tạp trên trụ tiêu. Cả chú chim gõ kiến đang mổ cành cạch trên thân muồng đen lá xanh rì. Tôi cởi áo, tắm luôn nơi bể nước. Nước ở đây cũng rất khác ở thành phố, mát rượi và trong vắt. Tôi ngửa cổ tu một hơi dài ngọt lịm. Tắm xong, tôi leo lên gác xép, ở đó gió thổi lồng lộng. Mát đến nỗi tôi đã ngủ một giấc đến quá trưa.
Tỉnh dậy khi có điện thoại của Như. Như đã về đến nhà. Cũng đang cách ly giống tôi. Tất cả bạn bè tôi, khi rời S. về đến nhà đứa nào cũng thế. Như thút thít qua điện thoại rằng không biết có còn gặp lại tôi tại S. không? Tôi cười. Em lo xa quá. Rồi mọi việc sẽ ổn. Mình sẽ gọi điện cho nhau mỗi ngày đấy thôi. Khi Như cúp máy, tôi vẫn nghe tiếng cô ấy thút thít dù giữa chúng tôi, cùng một đám bạn học, chưa hề có sự riêng tư nào.
Tôi thấy bóng dáng người ở phía xa, nơi vườn măng tây bạt ngàn xanh ngắt, cành lá mềm như tơ phất phơ trong gió. Cha tôi dặn tôi ở yên trong nhà, không được ra vườn. Mỗi ngày sẽ có người làm mang thức ăn cùng vài thứ lặt vặt khác cho tôi đặt ở trên chiếc bàn gỗ. Rồi họ sẽ thu hoạch măng tây, muốn gì cứ ghi giấy để lại đấy. Tôi bật cười, cha cẩn thận cứ như thời chiến tranh, giao tiếp với nhau bằng mật mã.
Không hiểu sao, khi về đến xứ núi của mình thì tôi không thể ngủ nướng như ở S. Trời vừa hưng hửng sáng, gà gáy ran, chim ríu rít phía ngoài kia là tôi giật mình tỉnh giấc. Cũng không nằm cuộn trong chăn ấm như mọi khi, cứ thế mở tung cánh cửa, bước ra ngoài lan can, hít thật sâu một hơi không khí trong vắt rất dễ chịu vào lồng ngực. Khi ấy đã thấy thấp thoáng bóng một cô gái giữa vườn măng xanh. Nhỏ nhắn, chăm chú và tỉ mẩn. Pha cho mình ly cà phê nóng, tôi bưng tô mì tôm lên gác gỗ, nhìn về vườn, vẫn thấy bóng dáng nhỏ nhắn, sùm sụp chiếc nón lá lẫn giữa những xanh rì.
Suốt mười bốn ngày, tôi đã nhìn cô gái ấy từ xa xa như thế. Cùng với những thắc mắc mà cha không chịu trả lời. Thì hôm sau con cứ hỏi con bé ấy. Nói chung là con bé này rất được. Tôi nghĩ, khi cha nói được chắc là tính tình chứ không phải khuôn mặt. Khác với tôi, cha chỉ thích những đứa con gái trong đám bạn tôi có khuôn mặt phúc hậu, biết vòng tay chào lễ phép khi gặp cha. Cha vẫn bâng quơ dặn dò rằng yêu ở đâu cũng được, vợ thì phải để cha chọn. Tôi luôn ậm ờ nhưng không có ý định nghe lời.
***
Cha nuôi tôi đi học bốn năm đại học nhờ cái vườn măng tây xanh ngắt này. Đến khi tôi đi làm thì hàng tháng cha vẫn gửi tiền xuống thành phố cho tôi. Tiền lương thử việc không đủ trang trải tiền nhà, tiền trọ hay sinh hoạt phí. Chỉ đủ cho tôi đổ xăng chạy qua chạy lại như con thoi để tìm hợp đồng. Cha muốn tôi về để phát triển vườn măng tây lên cơ sở sản xuất kinh doanh gì đó. Tôi cằn nhằn. Về xứ mình buồn lắm, con không về đâu. Có vẻ như cha tôi buồn, ông không bao giờ nhắc lại chuyện bảo tôi về để giúp ông quản lý công việc hay phát triển vườn măng tây lần nào nữa.
Ngày thứ 15
Tôi đi xét nghiệm Covid-19. Kết quả âm tính. Cha bảo tôi dọn quần áo về nhà rồi tranh thủ ra vườn. Mọi khi tôi sẽ dùng dằng. Nhưng lần này thì hăm hở ra mặt. Nếu cha biết, lý do không phải vì tôi muốn đỡ đần công việc với ông mà là để nhìn tận mặt đứa con gái luôn sùm sụp nón lá suốt ngày thì chắc ông sẽ thất vọng lắm. Nhưng Thy, đứa con gái người làm không chào đón tôi. Cô nàng chỉ ngẩng lên, lướt ánh mắt qua khẩu trang kín bưng nhìn tôi rồi lại cặm cụi nhổ đọt măng, xếp lên khay đều đặn. Tôi xăng xái lội vào giữa vườn, thò hai tay nhổ bật hai mầm măng cái một, con bé la lên hốt hoảng.
- Anh không biết thì đừng làm. Để đó đi.
Tôi quắc mắt. - Nè cô, tôi là con nhà chủ đó nghen. Cô ăn nói đàng hoàng.
Đứa con gái không phải hiền lành. Cô ta càm ràm bảo tôi không biết làm thì hỏi rồi người ta bày cho. Rồi thì đạp hư lên luống, đất cát rơi tùm lum. Thấy tôi khó chịu, Thy đưa cho tôi cuộn dây ni lông. Anh đi cột lại mấy cành măng nghiêng ngả cho khỏi gãy đi. Khi tôi cầm lấy thì cô nàng không quên liếc theo một cái sắc lẻm. Suốt cả buổi sáng hôm ấy, Thy không hề nói với tôi câu nào.
Thy không xinh. Khuôn mặt tròn. Đúng kiểu con dâu phúc hậu mà cha tôi thích. Tôi nhìn thấy khuôn mặt ngăm ngăm ấy chỉ trong chớp nhoáng khi Thy tháo nón và khẩu trang để rửa mặt ở bên bể nước. Cô ấy nói chuyện với cha tôi vui vẻ, tay thoăn thoắt xếp măng từ khay ra để cha chọn những đọt đều nhau. Đọt măng dài ngắn được chọn lựa, chặt bỏ khúc già, cân ký và bó lại bằng sợi lạt mềm, cho vào tủ giữ lạnh để chuyển lên chợ phố. Từ ngày tôi về nhà, cha kêu mỏi lưng, bảo tôi với Thy làm. Thy im lặng làm cùng tôi. Nhưng không còn ríu rít như chim nữa.
Đôi lúc, tôi vẫn ngầm so sánh những cô gái lướt qua mình. Trong đám bạn ở thành phố S. tôi biết vài cô gái, trong đó có Như. Như rất xinh. Chân dài và trắng bóc. Giọng nói đặc quánh chất con gái miền Tây. Như dạn dĩ và thường xuyên nhờ tôi việc này việc nọ. Đôi lúc, cô ấy bâng quơ rằng tôi có muốn làm rể miền Tây không? Những khi ấy, tôi chỉ cười. Bạn bè tôi, bọn chúng vẫn đôi lúc bảo tôi thử tán tỉnh Như xem. Biết đâu? Tôi ngần ngừ. Chưa kịp có ý định gì thì S. xảy ra dịch, chúng tôi gồng mình trong xóm trọ đến tháng thứ hai thì đứa nào cũng buông tay. Chỉ còn đủ tiền để đi xe về quê.
Thì ra, Thy không chỉ là người làm công. Đúng hơn là cô ấy giúp cha tôi rất nhiều việc trong việc đưa măng tây ra thị trường. Không biết có phải vì Thy trẻ, biết sử dụng facebook để quảng cáo măng tây như cha nói hay không mà ngày nào cũng có người đến lấy hàng về bán. Những ngày chưa bị ảnh hưởng bởi dịch, măng thu hoạch không đủ để cung cấp cho các nơi. Thy gọi thợ đến mở rộng vườn, rồi mời người về làm hệ thống tưới nước thông minh, điều khiển tưới vườn bằng điện thoại chứ không phải tưới trực tiếp nữa. Rồi thì cộng sổ sách, ghi chép hàng hóa hàng ngày, Thy làm nhoay nhoáy.
Thì ra Thy là nguyên nhân khiến cha không phàn nàn, không ời hỡi gọi tôi về giúp ba phát triển vườn măng nhà mình nữa. Kể cả khi tôi về đến nhà, cha cũng chỉ bàn bạc mọi chuyện với cô gái kia. Lâu lâu sực nhớ đến tôi, ông ngoắc lại, hất mặt về phía Thy, bâng quơ. Đi theo mà hỏi kinh nghiệm con gái nhà người ta. Khi ấy, Thy quay mặt về hướng khác, chỉ hơi tủm tỉm. Nhìn về phía ấy, bỗng dưng tôi thấy lòng nhẹ bẫng, bâng khuâng quá đỗi.
***
Măng tây phải được cắt vào lúc trời chưa kịp hửng. Trời chưa kịp nắng. Cha bảo giờ ấy măng mới thức giấc, rất non và rất ngọt. Màu măng sẽ xanh non. Cũng như tuổi thanh xuân thì luôn đẹp đấy thôi. Tôi bật cười khi cha ví von, tôi chạy xe vào rẫy. Khi đến nơi thì Thy đã ở giữa vườn măng từ khi nào, bóng dáng nhỏ nhắn lẫn giữa những lá măng phất phơ trong gió.
Hai chúng tôi ở hai luống măng sát nhau, khi tôi hỏi bâng quơ, Thy cũng đáp lại như thế, nhưng không phải giọng điệu cấm cảu như hôm nào đó. Như gọi điện đến, giọng ướt rượt. Tây Nguyên có nhớ S. không? Nhớ Như không? Tôi cười khẽ. Mình nhớ S. nhưng không thể nhớ Như. Vì có người không cho mình nhớ nơi ấy nữa rồi. Như cúp máy ngang. Lúc ấy, Thy đứng rất gần, cách tôi chỉ một vạt măng tây xanh mướt. Dưới vành nón hơi nghiêng, tôi thấy mắt em lấp lánh. Như thể Thy đang cười. Như thể những xanh ngắt của lá măng tây buổi sớm mai vẫn đọng hơi sương.