Truyện ngắn: Ngăn cách là tạm thời

08/07/2021 08:52

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Nhàn

Trưa mới chợp mắt, chị Lương gọi:

- Mợ nói giùm với thằng Long chiều nay mẹ không qua nói chuyện nha. Tỉnh mình đã hơn 100 ca rồi, mợ biết chưa?

- Dạ, em biết, nhanh ghê.

- Ừ, nhanh quá, nếu không tự bảo vệ thì rất có thể mình là ca 101 đấy.

- Không cần phải sợ cỡ vậy đâu chị, khu mình tạm thời đang an toàn, chị qua nhà em, nói chuyện với con rồi về, khẩu trang, sát trùng đàng hoàng là được mà.

- Không ổn, kiểu này không biết mình ra đường sẽ gặp con Covid - 19 ở đâu đâu. Tóm lại, mẹ con không gặp vài tháng chẳng sao, chứ nhỡ may mình tiếp xúc với người bệnh rồi mang mầm bệnh đang ủ mà đi gặp người khác thì hại cả làng.       

Minh họa: Ngọc Tâm

Cuộc trò chuyện vừa dứt thì trên màn hình hiện ra tin nhắn Messenger “Mẹ cháu qua chưa mợ?”. “Không, mẹ nhờ mợ nhắn với cháu, mùa đang dịch bệnh phức tạp, bữa nào dịch bệnh khống chế được rồi mẹ qua nói chuyện với con. Tôi nhắn cho cháu mà nghe mắt cay cay. Mẹ con xa cách, niềm vui tuổi già đơn chiếc là cuối tuần trò chuyện online với con. Nhưng chị từ chối, chị sợ mang liên lụy đến gia đình tôi. Nhiều lần thằng Long bảo sắm điện thoại cho mẹ nhưng chị không chịu vì kêu tốn tiền và không biết sử dụng nên cuối tuần hay qua nhà tôi nói chuyện qua video Messenger với thằng bé. Biết nghĩ cho người khác là hành động dễ khiến người ta mủi lòng. Đây không phải tiểu tiết dễ dàng bỏ qua giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Trong tình cảnh này, nếu ai cũng nghĩ được như chị thì quá tốt.

***

Chị Lương là chị họ phía chồng. Thấy cảnh chị đơn chiếc cơ cực nên vợ chồng tôi đồng cảm, chia sẻ rồi thân thiết. Nhà chị cách nhà tôi một con đường liên thôn. Từ ngày con trai sang Nhật làm, cậu chủ động xin phép tôi tạo điều kiện để chủ nhật hàng tuần mẹ qua bên nhà mợ trò chuyện với con qua điện thoại thông minh, tôi liền đồng ý.

Nuôi được thằng con sang Nhật làm, đó là thành tựu vĩ đại của chị. Long, thằng bé từ nhỏ không cha, học tới lớp 8 thì chơi với bạn bè lêu lổng, bắt gà, trộm chỉ vàng của mẹ đi chơi game, sau bỏ nhà đi bụi. Đem được thằng nhỏ từ quán cơm trong Cam Ranh về, đem tới trường cho nó tiếp tục chuyện học là một hành trình dứt ruột. Vậy mà học tới nửa lớp 10 trường bán công, Long lại ngựa quen đường cũ, lao vào chơi bời, hư hỏng. Ngày ngày, chị lại vật vã rình mò, lôi kéo thằng con về.

Thế bố cháu đâu hả? Thằng nhỏ có bố cũng như không. Chị Lương, thân con gái ngày xưa, cha mẹ chọn gả đâu ưng đó. Chị ngậm ngùi với người cha gia trưởng, tự an ủi mình với niềm tin, rồi hôn nhân sẽ đẻ ra tình yêu như bao người đi trước.

Nhưng số phận chị lại bạc. Lấy vợ về, bắt đầu từ lúc chị sảy thai thì chồng trở thành trụ chính của một sòng bài. Đánh bài là cách nhanh nhất để đi đến con đường khánh kiệt. Nghèo rạc, vợ đi làm không kịp ngước mặt nhìn trời nhưng hôm nào về cũng bị bạt tai, thua bài ở đâu đều đem về trút lên đầu vợ. Ngày chị kẹp nách thằng Long hai tuổi về, thấy mặt mày, tay chân bầm tím, bà ngoại giữ hai mẹ con lại nhà luôn. Tên chồng bài bạc kia cũng không một lần tìm vợ con, sau anh ta bỏ làng đi biệt. Năm thằng Long lên mười thì ba mẹ chị lần lượt quy tiên, nhà có một người anh nhưng ông theo đợt di dân đến vùng kinh tế mới trên núi sống, hai mẹ con chị lủi thủi đối mặt với bộn bề khó khăn.

Chị Lương ăn uống thiếu thốn nhưng lượng công việc gấp rưỡi người thường nên thân hình mỏng như tàu lá, giờ phải chạy trong mưa tìm con, bộ dạng bần cùng không tả nổi. Tôi chẳng biết miêu tả thế nào khi chị gõ cửa nhà tôi, giọng đứt quãng, đôi mắt đỏ hoe nói, thằng Long không đến chỗ cũ, chị tìm từ xẩm tới giờ không ra. Chồng tôi đi thẳng lại tắt ti vi, lật đật mặc áo mưa rồi ra cửa dắt chiếc xe đạp của chị vào, anh chở chị đi tìm con. Hai người lôi thằng Long về từ quán game.

Một đêm nữa, hai người lục ra thằng nhỏ đã hai giờ đêm. Hai giờ đêm ở ngoài quảng trường cùng mấy đứa bạn. Chồng tôi nói bằng giọng bức xúc, mới học lớp 10 mà nhuộm tóc, xỏ lỗ tai, uống bia. Anh đã đưa tay lên xong lại rụt xuống, anh bảo với thằng Long “Nếu được quyền, cậu sẽ cho con một tát thật đau. Con đã thấy công việc của mẹ chưa? Hằng ngày, cơm con ăn nước con uống là từ việc mẹ con khuya dậy đạp xe xuống quảng trường, nơi tụi con ăn nhậu lượm vỏ lon về bán. Tiền con đi học từ đâu mà có, từ việc mẹ con tới nhà bà chị họ, đút cơm thay tã cho con người ta, có biết không ??” Nói xong anh cầm tay chị Lương kéo ra xe chở về, chị vùng vằng, quay đầu nhìn về phía thằng con, chồng tôi lôi tay chị đi, kệ nó, muốn tươi thì tươi muốn héo thì để nó héo, chị cứ theo đuôi nó miết, sẽ sớm ra nghĩa địa thôi, về.

“Ra nghĩa địa” đâu chưa thấy, trước mắt chỉ thấy ra bệnh viện. Đêm đó về, chị ngã gục, phải đưa đi cấp cứu. Tôi là người chăm chị ở bệnh viện. Chị bị suy nhược nặng, hạ đường huyết. Vào nằm viện mới té ra căn bệnh gai đốt sống và thoái hóa khớp gối. Trời ơi, nghèo mà mang trong người toàn bệnh nhà giàu, bệnh kị làm nặng mà có thấy chị nghỉ ngơi ngày nào. Chị cười, cứ nghĩ tới con, làm quên đau.

Ngày thứ mười trong bệnh viện, chồng tôi đưa thằng Long tới. Tôi không hỏi nhưng anh bảo, nó tự tìm về. Về nhà khóa cửa, định quay xe đi nữa thì nghe hàng xóm bảo mẹ nằm viện, vậy là nó qua nhà, nhờ cậu chở vô thăm mẹ.

Tôi không biết phải nói thế nào, phải hiểu ra sao, tôi chỉ kết luận trái tim, tình mẫu tử có sự vi diệu riêng của nó. Đấy chắc là lần đầu tiên, thằng Long bình tĩnh nhìn mẹ mình. Khuôn mặt trùng điệp vết nhăn, lòng mắt thâm tím trũng sâu, nằm trên giường bệnh, thân hình gầy rạc ép sát giường, đôi mắt lim dim, chỉ he hé rồi nhắm nghiền, thở yếu đến mức không nhìn thấy nhịp đập của tấm áo mỏng phủ trên ngực. Thằng nhỏ đứng nhìn mẹ, nhìn bất động một lát lâu. Tôi thấy mặt nó từ đỏ chuyển sang tái, những giọt nước từ hai mắt rớt xuống. Giọt nước mắt ăn năn là những giọt nước trong lành nhất, tôi nghĩ vậy.

***

Thằng Long ở nhà, đóng cửa mở sách vở ra học. Nó quyết thi lại vào lớp 10 hệ công lập.

Vào được lớp 10 rồi, nó đậu Đại học Bách khoa thành phố. Giỏi, vừa học vừa làm, mẹ chỉ hỗ trợ tiền học thôi, phần chính vẫn nó. Học xong đại học, chị Lương tình cờ phát hiện ước mơ được ra nước ngoài làm việc của con nên ủng hộ. Thằng Long sợ mẹ ở nhà đơn chiếc, chị Lương bảo an tâm, chỉ cần con chị vui là chị hạnh phúc.

Từ ngày thằng Long qua Nhật, tôi trở thành nhân chứng của những cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con. Trăm lần như một, mẹ kể chuyện quê nhà và con kể chuyện nơi đất khách, kết thúc là lời dặn giữ gìn sức khỏe và hẹn tết về.

Nhưng tết đó, chị không cho con về. Dù bên Việt Nam ca nhiễm còn ít trên đầu ngón tay nhưng một số nước trên thế giới dịch đã lây lan tốc độ chóng mặt, Nhật Bản lúc đó số ca nhiễm cũng chưa nhiều nhưng chị kiên quyết từ từ hẵng về, kẻo rồi lại đem con Covid - 19 xứ người về quê hương, bản quán. Tôi đã âm thầm ngưỡng mộ tầm nhìn đó của người đàn bà nhà quê. Tết trước, tết sau không về được, thằng Long hẹn hè này sẽ xin công ty nghỉ phép về thăm mẹ, nhưng giờ thì…

Chiều nay, thằng Long nhắn tin động viên cứ bình tĩnh, sức mạnh ý chí con người nhất định sẽ thắng con Covid - 19 quái ác. Nó còn bảo, người bên Nhật Bản vẫn khen chủ trương chống dịch bên mình tốt nên mẹ, mợ và tất cả mọi người hãy an tâm, cứ làm theo chủ trương của chính quyền, chiến thắng sẽ là một ngày không xa. Thấy Long đổi thay như vậy, tôi mừng thầm.                

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/truyen-ngan-ngan-cach-la-tam-thoi-87481.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/truyen-ngan-ngan-cach-la-tam-thoi-87481.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Truyện ngắn: Ngăn cách là tạm thời
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO