Ngày thu nắng đẹp, Mai tranh thủ đem đồ cũ ra giặt giũ, chà rửa lại cho sạch sẽ, thơm tho chuẩn bị cho chuyến từ thiện. Năm nay, nhiều người mang đồ tới tận nhà nên cô không còn phải tới tận nơi để lấy như những năm trước. Đang lúi húi làm, Mai nghe tiếng bác Lan, hàng xóm nói:
- Cô Mai ơi, tôi có gom được vài bộ quần áo, nhờ cô gửi cho các cháu khó khăn nhé.
Mai ngẩng đầu lên thì thấy bác Lan tay khệ nệ ôm đống quần áo. Cô đứng dậy đón lấy rồi hồ hởi nói:
- Cảm ơn bác Lan, năm nào bác cũng gom đồ cho cháu đem tặng các con vùng sâu, vùng xa thế này quý quá bác ạ.
- Có gì đâu, bà giáo già tôi đây đã từng công tác nhiều năm ở vùng đặc biệt khó khăn nên hiểu sự vất vả của các bé. Cô Mai làm được như thế này, tôi thấy thật tốt quá. Tôi già cả, các con không cho đi xa bằng xe máy, chứ không thì tôi cũng đi cùng cô Mai đấy.
- Bác Lan muốn đi cùng không ạ. Sắp tới có mạnh thường quân tình nguyện chở cháu bằng xe ô tô vào một số điểm trường khó khăn để tặng các con một số vật dụng chuẩn bị đi học đấy ạ.
- Ồ, nếu đi ô tô bác có thể đi được đấy. Hôm nào cháu tính đi?
- Cháu dự định cuối tuần này ạ. Ngày nghỉ bà con họ hay ở nhà hơn ạ.
- Vậy thì hay quá. Mà cháu đang làm gì thế này?
- Dạ! Cháu đang chà lại dép cho sạch ạ. Đây là số dép của các trường mầm non vẫn còn đẹp, họ gom lại gửi cháu để mang vào cho các bé đấy ạ. Còn chỗ đồ quần áo cũ này cũng phải giặt lại. Hôm nay trời trong xanh, nắng thu rực rỡ, phơi đồ dưới trời thế này sạch sẽ và thơm tho lắm bác ạ.
- Cô Mai vất vả rồi. Để tôi phụ cô một tay nhé.
- Dạ. Con cảm ơn bác ạ.
Minh họa: Ngọc Tâm |
Đã 5 năm năm nay, cứ vào dịp gần năm học mới, Mai lại gom đồ dùng cho các con mầm non và tiểu học có hoàn cảnh khó khăn. Mới đầu cô kêu gọi phụ huynh trong trường góp sách vở và quần áo cũ còn dùng được cho những bạn không có điều kiện mua ở phạm vi trường cô công tác. Tiếng lành đồn xa, phụ huynh có đồ còn dùng được, rồi có mạnh thường quân góp cả đồ mới nên cô mở rộng phạm vi, chia sẻ được nhiều hơn cho học sinh các trường khác và tới những nơi xa xôi hơn trong tỉnh. Nơi Mai sắp tới lần này là điểm trường cô đã từng công tác khi mới rời khỏi ghế giảng đường. Nỗi nhớ trường, nhớ những e nhỏ chân đất cắp sách tới trường luôn thôi thúc cô trở lại nơi này.
5 giờ sáng, chiếc xe bán tải chất đầy đồ dùng, nào là quần áo, chăn mền, sách vở, bút và dép…từ thành phố lăn bánh hướng về vùng biên. Con đường đất đỏ, mỗi lần mưa xuống bùn đặc quánh, bám chặt cứng lấy bánh xe và chân người nay đã được thay thế bằng đường bê tông sạch sẽ. Gió thu se lạnh nhưng lòng Mai lại ấm áp vô cùng.
- Mai này, hình như đây là đường vào trường tiểu học Trần Quốc Toản của huyện biên giới nhỉ? Bác Lan ngồi trong xe thắc mắc.
- Dạ, đúng rồi bác ạ. Bác quen nơi này à. Mai quay sang nhìn bác Lan ngạc nhiên.
- Rất quen, mặc dù con đường vào điểm trường đã được bê tông hóa, đẹp lên rất nhiều nhưng bác vẫn nhận ra. Bác đã gắn bó với con đường này 20 năm đấy. Nếu bác nhớ không nhầm, sắp tới sẽ có một cái cây cổ thụ thật lớn đó. Kìa, đúng rồi, nó vẫn đứng đó, vẫn tỏa bóng mát cho con đường này nhỉ. Bác và bác trai cũng quen nhau và nên duyên cũng từ đây đấy. Ngày trước, các bác toàn phải đi bộ vào trường để dạy thôi. Cái cây này mùa nắng làm nơi nghỉ ngơi, rất mát. Điểm trường này trước đây chỉ có 2 lớp học thôi. Mà nói là lớp cho có chứ được vài bộ bàn ghế ở cái chòi dựng tạm. Học sinh thì vận động mãi mới được vài em đi học. Mới đó mà đã mấy chục năm rồi. Thời gian trôi nhanh quá.
- Vậy là bác và cháu cùng dạy một nơi rồi. Lâu nay nói chuyện với bác nhiều mà cháu lại không biết bác cũng đã có thời gian công tác ở đây đấy.
- Do bác cũng không nói chuyện này với ai mà. Năm 2000, bác trai bị bệnh nặng phải thường xuyên chữa trị. Hai bác xin chuyển công tác về trung tâm để tiện chữa bệnh.
- Vậy ạ. Cháu vào công tác ở trường năm 2003. Năm đó, trường được xây dựng kiên cố, có mái ngói đỏ tươi rồi. Học sinh cũng bắt đầu đông hơn rồi bác ạ. Người dân sinh sống ở đây cũng nhiều hơn do có đơn vị bộ đội vận động bà con không du canh, du cư, rồi cùng với đồng bào san đất, làm nhà tạm. Bộ đội cùng với giáo viên của trường đến từng nhà ghi danh sách rồi vận động các gia đình đưa con em đến trường đi học đấy ạ.
Nói đến đây, ký ức chợt ùa về như mới ngày hôm qua khiến Mai mỉm cười hạnh phúc. Với cô, những năm tháng ấy thật khó phai và những kỷ niệm sẽ cùng cô đi suốt cả cuộc đời. Thời điểm ấy, cô có một tình yêu thật đẹp với chàng bộ đội điển trai. Cô và anh cùng nắm tay nhau rong ruổi khắp các bản, buôn làng. Cô vận động con em tới trường, còn anh thì cầm tay chỉ việc cho đồng bào biết trồng trọt, chăn nuôi. Cô nhớ, mùa thu tựu trường đầu tiên trong ngôi trường mới cũng là dịp bà con trong khu định canh, định cư của bộ đội đón Tết độc lập đầu tiên ở nơi ở mới. Năm đó, mỗi gia đình ở các bản được bộ đội cấp cho 1 lá cờ và một số lương thực, thực phẩm để ăn Tết độc lập. Nhưng hỏi ai cũng không biết Tết độc lập là gì? Được bộ đội giải thích, Tết độc lập là ngày Quốc khánh, ngày mà năm 1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình, Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, họ mới biết. Bà con bảo lâu nay sống du canh, du cư thì chỉ biết vào rừng đào củ măng, củ mì, hái lá bép, bắt con cá dưới suối thôi. Về nơi này được bộ đội tặng thịt, gạo để ăn Tết độc lập nên bà con vui lắm. Từ đó, hàng năm, cứ đến gần ngày 2/9, bà con ở các bản người Mông lại rộn ràng chuẩn bị đón Tết độc lập. Các thanh niên cùng nhau tập múa. Nam thì múa khèn, còn các cô gái xúng xính trong điệu xòe hoa. Các cụ già ngồi bên nhau ôn lại những kỷ niệm phiêu bạt khắp các cánh rừng, nhờ bộ đội đưa về định cư nay được mặc ấm, ăn no, có nhà cửa, con cháu được học cái chữ của Bác Hồ. Mai cùng người yêu hòa mình vào các bản làng trong ngày độc lập, cùng nắm tay nhau hát bài ca kết đoàn. Qua ba mùa thu, khi những ngôi nhà trong bản treo đầy bắp, cây cà phê sai quả trải dài, nhấp nhô trên triền đất bazan màu mỡ, Mai và chàng bộ đội kết duyên vợ chồng. Vợ chồng cô chọn ngày cưới vào đầu tháng 9, bởi theo cô đây là tháng của những niềm vui, có ngày Tết độc lập và ngày khai giảng năm học mới. Cô sinh bé đầu lòng cũng đúng vào ngày thu tháng chín, tháng khởi đầu cho tương lai tốt đẹp phía trước.
- Mai đang nghĩ gì mà gương mặt vui quá kìa. Tiếng bác Lan cắt ngang dòng suy nghĩ của Mai. Mai quay sang mỉm cười.
- Cháu nghĩ về những điều tốt đẹp đã gắn bó với cháu ở đây suốt một thời gian dài ạ. Kia là trường rồi, chúng ta chuẩn bị xuống thôi bác.
Đang dịch Covid-19 nên Mai và bác Lan đều đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn. Các cháu nhỏ cũng đeo khẩu trang. Bác trưởng bản nói ở đây mặc dù là vùng sâu, vùng xa nhưng bộ đội nói rồi, vẫn luôn phải thực hiện tốt 5K, không được chủ quan, lơ là.
- Đã lâu rồi, cô Mai mới trở lại đây nhỉ. Chúng tôi nhớ vợ chồng cô lắm đấy. Bác trưởng bản hồ hởi nhìn Mai.
- Dạ, vợ chồng cháu cũng rất nhớ nơi này ạ.
- Chồng cô Mai nay đi đâu rồi mà không xuống bản chơi?
- Chồng cháu đang phải tăng cường cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19 rồi bác ạ.
- Buồn thật đấy! Năm nay cũng do Covid-19 mà bản không được đón Tết độc lập như mọi năm. Bộ đội bảo bà con đến nhà văn hóa của bản nhận gạo mang về nhà tự tổ chức Tết độc lập ở nhà mình, không tổ chức thi gói bánh, thi thổi khèn, đánh cù như những năm trước nên cũng không dám mời cô Mai về chơi.
- Dạ, bây giờ cả nước đang gồng mình chống dịch, bà con ta đành gác lại niềm vui để lo chống dịch đã bác ạ. Cháu tin với sự đồng lòng của toàn dân thì dịch bệnh sẽ qua nhanh thôi ạ. Giờ bản mình còn nhiều nhà khó khăn không ạ?
- Nhờ có bộ đội mà đời sống kinh tế vùng này khá lên nhiều rồi cháu. Đường, điện, nước sinh hoạt về tới tận nhà, vui lắm. Vì các cháu khó khăn nhất, bác đã thông báo tập trung đông đủ rồi đây.
Mai cùng bác Lan phát quà cho từng em học sinh. Những đứa trẻ ngây thơ khi nhận được chăn ấm, quần áo, sách, vở, bút và dép thì vui vô cùng. Ánh mắt to tròn ánh lên nét cười rạng rỡ, sáng lấp lánh như những vì sao. Mai thấy trái tim vui rộn ràng, tràn ngập hi vọng. Phía ngoài cổng trường, nhiều gia đình đã bắt đầu treo cờ đỏ sao vàng. Cô chào mọi người ra về, lòng hân hoan đi dưới bóng cờ phấp phới tung bay giữa bầu trời trong xanh, nắng thu vàng rực rỡ…