Truyện ngắn: Dòng máu người chiến sĩ

22/07/2021 08:33

Tác giả: Thùy Dương

Cơn mưa tháng Bảy trút xuống ngày càng lớn. Tiếng gió rít liên hồi như muốn lật tung mái nhà. 12 giờ đêm, bà Mai trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Bà quay sang thì nhìn thấy ông Bình chồng bà cũng chưa ngủ. Ông Bình chống tay nhẹ ngồi dậy, quay sang nhìn đứa cháu 3 tuổi vẫn thấy tiếng thở đều. May là thằng bé ngoan, chịu chơi với ông bà.

- Sao ông không nằm xuống nghỉ đi còn thức dậy làm gì? Bà Mai cất tiếng hỏi.

Ông Bình buông tiếng thở dài:

- Tôi nghĩ đến sắp nhỏ, đêm khuya lại mưa gió thế này mà chúng nó vẫn còn ở chốt làm nhiệm vụ.

Bà Mai ngồi dậy quấn tóc, khuôn mặt trầm tư:

- Tôi cũng sốt hết cả ruột gan đây, ngoài ấy gió lạnh lắm. Có lúc gió lớn, suýt làm sập cả cái rạp chúng nó dựng tạm để che mưa, che nắng. Hôm qua, tôi đem cho chúng nó ít nhu yếu phẩm bồi bổ thêm, đúng lúc mưa lớn, gió thổi mạnh quá. Mấy đứa khỏe tự phân công mỗi đứa đứng giữ một chân rạp cho khỏi gió giật bay đi đấy. Người chúng nó ướt sũng, nhiều lúc xiêu vẹo vì gió giật. Chứng kiến cảnh ấy mà tôi thấy thương chúng nó quá. Rồi người dân đi đường nữa, mưa gió mặc áo mưa ướt hết, nhất là mấy đứa trẻ con, đứng giữa trời mưa lạnh. Chập tối nghe con nó gọi về, bảo là có nhà hàng nào đó cho mượn rạp rồi đem ra dựng một đoạn dài lắm, giờ có chỗ thoải mái cho chúng nó làm việc, người dân đi về có chỗ đứng chờ làm thủ tục qua chốt rồi. Thôi thì cũng đỡ đỡ chút nhưng cả 2 tuần nay nó làm việc liên tục. Làm việc mệt lại còn mưa lạnh không biết có trụ nổi không nữa đây?

- Bà đừng lo quá, chúng nó có dòng máu người lính của tôi, chắc chắn sẽ bám trụ được dù ở bất cứ hoàn cảnh nào? Ông Bình nhìn vợ động viên.

Minh họa: Ngọc Tâm

Bà Mai quay sang nhìn thấy ánh mắt kiên định của chồng. Bà lại nhìn xuống đôi chân đều đã bị cụt của ông. Bà nhớ lại, năm 1975, ông là một trong những thương binh nặng nhất được đưa tới chỗ bà chữa trị. Nghe nói, trong trận đánh sinh tử với quân địch đợt ấy, ông đã anh dũng không quản hiểm nguy chiến đấu với quân địch nhưng không may bị địch bắn trọng thương cả hai chân. Mặc dù đã được đồng đội đưa đi cấp cứu, các y bác sĩ dốc sức cứu chữa nhưng vết thương quá nặng đành phải cắt bỏ cả hai chân mới giữ được mạng sống. Mới đầu ông cũng suy sụp lắm, muốn buông xuôi. Nhưng rồi với ý chí và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ và nhất là nhờ sự chăm sóc chu đáo, ân cần của cô y tá là bà mà ông đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau này, ông khỏi bệnh, đất nước thống nhất, ông và bà nên duyên vợ chồng rồi ở lại Tây Nguyên lập nghiệp. Cuộc sống của một thương binh nặng không dễ dàng. Ông bà lại hiếm muộn con, mãi 10 năm sau mới sinh được một bé trai và ít năm nữa thì thêm được một cô con gái. Các con sinh ra lại suốt ngày ốm đau, bà xoay xở cả ngày lo chăm sóc con nên đành phải xin nghỉ làm ở trạm y tế xã. Một mình ông cáng đáng xoay xở lo kinh tế nuôi gia đình. Ai cũng nghĩ ông không làm được trò trống gì cả vì cụt cả hai chân lại ốm đau miết. Những năm ấy, kinh tế của bà con vùng này còn khó khăn lắm nên ai nhìn vào hoàn cảnh của ông đều ái ngại. Nhưng ông đã chứng minh cho mọi người thấy “thương binh tàn nhưng không phế”. Ông nói với vợ “Tôi vẫn còn đôi bàn tay. Tôi chưa mất tất cả. Tôi sẽ dùng 2 bàn tay này làm việc thay cho cả đôi chân”.

Nói là làm, ông dùng đôi bàn tay của mình di chuyển khắp các nương rẫy, nào cào bồn, làm cỏ, kéo ống tưới nước. Một mình ông cứ thế cần mẫn chăm sóc cho rẫy cà phê, hồ tiêu. Ông học hỏi thêm kinh nghiệm trồng trọt rồi áp dụng bài bản nên vườn, rẫy của gia đình ông khi nào cũng năng suất nhất xã. Nhiều đêm thấy ông nằm trở mình vì những cơn đau ở vết thương hành hạ, bà khuyên ông làm bớt lại giữ sức khỏe. Ông chỉ mỉm cười rồi sáng mai lại dậy sớm thoăn thoắt đi bằng đôi bàn tay hướng về nương rẫy. Cứ thế, kinh tế gia đình ông dần dần khấm khá rồi vươn lên giàu nhất nhì vùng. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình đến nhờ ông chỉ cách chăm sóc cây trồng. Ông tận tình giúp đỡ, lại còn cho vay vốn không tính lãi để các gia đình khó khăn phát triển kinh tế. Cuộc sống ổn định, các con cũng đã lớn. Con trai đầu xung phong đi bộ đội rồi học đại học, được phân công làm việc ở bộ đội biên phòng, canh giữ vùng biên cương giáp với nước bạn Campuchia. Thằng bé cũng đã lấy vợ, bạn cùng làm với em gái ở trung tâm y tế huyện. Vợ nó cũng đã sinh được cháu trai 3 tuổi cho ông bà. Các con đều ở chung, lâu lâu con trai lại về thăm nhưng kể từ khi có dịch Covid – 19, con trai cũng ít được về vì phải cùng đồng đội chia nhau canh gác các đường mòn, lối mở. Gần đây, dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh liên tục công bố các ca mắc Covid-19. Các tỉnh phía Nam thực hiện phong tỏa, người dân quê ở Tây Nguyên kéo về nhà đông nên con dâu và con gái ông phải tham gia trực chốt để làm các thủ tục. Đến 2 tuần nay, các con không được về nhà. Đứa con dâu gọi video cho con trai mà cứ rơm rớm nước mắt, bà cũng chỉ biết quay mặt đi.

- Nước, nước! Tiếng thằng cháu đòi uống nước làm bà giật mình.

Bà quay sang lấy bình nước đưa cho thằng bé. Thằng bé uống xong lại lăn quay ra ngủ. Bà nhìn thấy ông vẫn ngồi im lặng liền nói:

- Mưa lạnh vầy vết thương của ông có đau lắm không. Thôi cũng đã muộn lắm rồi, ông nghỉ ngơi đi.

- Tôi không đau đâu. Mà bà này, dịch bệnh thế này không biết khi nào mới hết. Đợt này bùng phát nhiều tỉnh, thành thế này thì sẽ thiệt hại nhiều lắm đây. Tôi nghĩ thế này, nhà mình cũng chẳng có nhiều nhưng có chút tiết kiệm để dành, tôi tính ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19. Dân mình được tiêm phòng đầy đủ thì sẽ nhanh đánh thắng giặc vi rút kia bà ạ, các con, cháu mình nó cũng đỡ khổ. Ông Bình bàn bạc với bà.

- Ông làm gì tôi cũng ủng hộ hết. Mỗi người đều góp sức thì giặc nào, kẻ thù nào ta cũng chiến thắng. Đúng không ông!

- Đúng, đúng, bà nói thì cái gì cũng đúng hết. Thôi bà nghỉ đi rồi sáng mai ở nhà trông cháu để tôi qua ngân hàng rút tiền lên huyện gửi cho Quỹ vắc xin phòng Covid-19 nhé.

***

Sáng sớm, chuẩn bị cơm nước xong cho ông thì bà nghe tiếng bà Lan, hàng xóm đứng ngoài ngõ gọi vọng vào.

-Bà Mai ơi, bà nghe tin gì chưa? Lại có ca dương tính Covid-19 ở xã X rồi kìa. Nghe nói ở vùng dịch về. Mấy ngày nay ngoài quốc lộ nườm nượp xe, nghe nói là dân quê mình từ thành phố về. Sốt hết cả ruột.

Bà Mai lặng lẽ đi ra, đứng trong ngõ nói vọng ra:

- Dịch bệnh đâu ai muốn bà ơi. Ai cũng mong yên ổn mà. Có khó khăn thì mới phải xa nhà để kiếm miếng cơm manh áo. Giờ dịch bệnh, ai cũng muốn về nhà, mình phải đứng vào vị trí của họ để thông cảm, chia sẻ chứ. Mình chỉ phê phán những người không có ý thức, đã đi từ vùng dịch về không thực hiện khai báo y tế, không chịu thực hiện đúng hướng dẫn cách ly mà đi lung tung, lây bệnh. Còn những người khai báo trung thực, thực hiện tốt quy định thì có sao đâu. Chúng ta là những người may mắn vì đang còn khỏe mạnh và không có người thân mắc bệnh bà ạ.

- Ừ, thì tôi cũng là lo quá nên sốt ruột thôi. Chứ lâu nay, tôi cũng tham gia với hội phụ nữ xã gom các loại rau, củ, quả ủng hộ cho bà con dưới thành phố mà. Giờ tôi qua vườn củ cải của nhà cậu Hải để phụ nhổ củ cải gửi cho kịp xuống dưới đây. Bà Lan phân bua.

- Bà Mai ơi! Vào nhà dọn dẹp chút để tý nữa có đoàn lãnh đạo của tỉnh vào nhà mình thăm các gia đình thương binh nhân dịp 27/7. Ông Bình ở trong nhà gọi ra.

Bà Mai chào bà Lan rồi tranh thủ vào bếp nấu ấm chè xanh, dọn thêm mấy cái ly uống nước. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này nhà bà lại có khách ghé thăm. Đúng 8 giờ, đoàn của tỉnh ghé thăm gia đình bà. Năm nay ai cũng phải đeo khẩu trang, ông bà cũng vậy, nghiêm chỉnh chấp hành. Sau vài lời thỏi thăm, động viên, lãnh đạo tỉnh mong muốn gia đình bà tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nuôi dạy con cháu trưởng thành... Ông bà hứa sẽ luôn như vậy. Trước kẻ thù vô hình, ông bà vẫn luôn nhắc nhở các con "đây là cuộc chiến không tiếng súng, các con hãy phát huy dòng máu người chiến sĩ, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, hết mưa trời lại sáng thôi".

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/truyen-ngan-dong-mau-nguoi-chien-si-87848.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/truyen-ngan-dong-mau-nguoi-chien-si-87848.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Truyện ngắn: Dòng máu người chiến sĩ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO