5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo
Theo ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, ngay sau khi Huyện ủy Đắk Song xây dựng kế hoạch về việc 5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo, Đảng ủy xã đã tích cực triển khai thực hiện.
Được sự động viên, giúp đỡ của địa phương, nhiều hộ dân ở xã Trường Xuân luôn tích cực, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế |
Trên cơ sở danh sách các hộ nghèo đã được rà soát, Đảng ủy phân công, giao cho các đảng viên trực tiếp khảo sát nguyên nhân nghèo, nhu cầu thực tế cần được giúp đỡ để xây dựng các phương án, lộ trình cụ thể, từng bước nâng cao điều kiện sống của người dân.
Bà Trần Thị Mầu ở bon Jâng Plei 3 là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được 5 đảng viên đăng ký giúp đỡ thoát nghèo. Chồng mất, một mình bà Mầu nuôi 5 đứa con, trong đó 4 đứa đang tuổi ăn tuổi học. Gia đình bà có 2 ha đất sản xuất, nhưng do thiếu vốn đầu tư, kinh nghiệm chăm sóc nên năng suất đạt thấp.
Sau khi tìm hiểu, "Nhóm 06" do đảng viên Nguyễn Thị Thủy, Chi bộ bon Jâng Plei 3 làm trưởng nhóm nhận thấy, nhu cầu của gia đình bà Mầu là cây con giống, kỹ thuật, ngày công, vốn đầu tư… Từ đó, bà Thủy cùng các thành viên trong nhóm lên kế hoạch giúp đỡ cụ thể trong khả năng của mình và vận động thêm các nguồn lực khác.
Qua đóng góp của các thành viên và vận động, kêu gọi khác, nhóm đã hỗ trợ gia đình bà Mầu 1 cặp dê giống, 100 con gà giống, 30 cây bơ giống và thức ăn chăn nuôi, phân bón. Nhóm cũng đề xuất với cơ quan chức năng hỗ trợ các chính sách theo quy định như cho bà Mầu vay thêm vốn để làm ăn.
Nhóm còn hỗ trợ gia đình bà Mầu tivi, đầu chảo phục vụ sinh hoạt gia đình và giúp mấy đứa con sách giáo khoa, đồng phục, đồ dùng học tập để tiếp tục đến trường. Các thành viên trong nhóm cũng thường xuyên hướng dẫn gia đình về cách chăn nuôi, động viên cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, đến nay, gia đình bà Mầu đã có nhiều đổi thay hơn trước…
Theo thống kê, toàn xã Trường Xuân hiện có 110 nhóm được đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2020, các nhóm đã giúp đỡ được 73 hộ thoát được nghèo. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhóm, bản thân các hộ nghèo đã chủ động lao động sản xuất, không trông chờ ỷ lại mà luôn nỗ lực vươn lên. Việc giúp đỡ hộ nghèo cũng là cách để cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.
Nhiều hình thức giúp đỡ thoát nghèo
Ngoài mô hình 5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo, xã Trường Xuân còn triển khai nhiều hình thức nhằm giúp người dân trong công tác giảm nghèo bền vững. Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề để thực hiện Chương trình số 14 của Huyện ủy Đắk Song và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Đắk Nông về giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020.
Xác định thế mạnh của người dân là sản xuất nông nghiệp, hàng năm, xã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan về các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từ đó thay đổi nhận thức cho người dân về cách làm ăn. Việc khuyến khích người dân tập trung đầu tư thâm canh đối với các loại cây trồng chủ lực gắn với phát triển các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, quýt, vải thiều, bưởi, tăng diện tích cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng.
Đến nay, xã đã phối hợp triển khai cho các hộ nghèo vay các nguồn vốn hộ nghèo, vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với tổng dư nợ 59,5 tỷ đồng. Các chương trình hỗ trợ người nghèo như 135, 755; hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số theo quy định…cũng được triển khai hiệu quả.
Riêng Dự án giảm nghèo bền vững khu vực Tây Nguyên, xã đã phát triển thêm đàn dê hơn 500 con nhằm tạo sinh kế giúp bà con xóa nghèo. Đối với các hộ nghèo về nhà ở, xã tranh thủ huy động nhiều nguồn lực khác nhau để hỗ trợ. Giai đoạn 2015-2020, toàn xã đã hỗ trợ xây dựng được 48 căn nhà và sửa chữa 2 căn nhà giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp.
Các tổ chức chính trị xã hội cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp hội viên nghèo trong phát triển sản xuất thông qua các nguồn quỹ như quỹ hội, quỹ tín dụng tiết kiệm, quỹ đồng đội, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế…
Việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm đáng kể. Năm 2015, xã còn 22,6% hộ nghèo thì đến cuối năm 2019 chỉ còn 12,2% hộ nghèo, dự kiến năm 2020 còn khoảng 10%.
Trên cơ sở đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Trường Xuân xác định “Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ” là 1 trong 2 khâu đột phá cần tập trung thực hiện. Để làm được điều này, xã tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình 5 đảng viên giúp 1 hộ nghèo và các chương trình, chính sách dành cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số.
Cùng với việc vận động người dân tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, hiệu quả bền vững đối với cây cà phê, tiêu và đa dạng hóa cây trồng, xã chú trọng phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để áp dụng vào thực tiễn sản xuất…
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Anh, công tác giảm nghèo bền vững thành công không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, tăng thu nhập bình quân đầu người mà còn thay đổi bộ mặt của địa phương. Vì vậy, Đảng bộ xã luôn nỗ lực đưa nghị quyết của đảng bộ các cấp về xóa nghèo bền vững đi vào thực tiễn cuộc sống.