Chính trị

Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil) - lấy học sinh làm trung tâm

Hoàng Bảo 11/09/2023 11:33

Hưởng ứng phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” do ngành Giáo dục Đắk Nông phát động, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil chủ động, linh hoạt, đổi mới phương pháp dạy, lấy học sinh làm trung tâm.

Phát triển năng lực học sinh

Theo thầy Trần Công Nhị, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, trường khuyến khích đội ngũ giáo viên chủ động, linh hoạt, đổi mới phương pháp dạy, lấy học sinh làm trung tâm. Các thầy, cô giáo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý chuyên môn, giảng dạy. Các tổ chuyên môn xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh; sắp xếp có đủ thời lượng dành cho luyện tập, ôn tập, thí nghiệm thực hành, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo khoa học kĩ thuật.

h6-1-.jpg
Trường THPT Trần Hưng Đạo chủ động, linh hoạt, đổi mới phương pháp dạy, lấy học sinh làm trung tâm.

Trường cũng thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định. Việc kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Cách thức kiểm tra đa dạng, linh hoạt như hỏi, đáp, viết, hồ sơ học tập, vở, sản phẩm học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, thực hành, thí nghiệm...

Đối với bài kiểm tra giấy, đánh giá bằng điểm số, trường yêu cầu đề kiểm tra phải được xây dựng theo ma trận, đặc tả câu hỏi tự luận, trắc nghiệm khách quan hoặc khách quan kết hợp với tự luận biên soạn theo mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Đối với kiểm tra, đánh giá bằng bài thực hành, dự án học tập, giáo viên hướng dẫn cụ thể bằng bảng kiểm, với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các kiến thức, kĩ năng được sử dụng.

Căn cứ vào mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục, mức độ phát triển năng lực của học sinh, trường xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra, đánh giá bảo đảm sự phù hợp với đối tượng học sinh. Đồng thời, tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao, có hướng dẫn cụ thể trước khi tổ chức thực hiện.

Xây dựng môi trường học tập hạnh phúc

Cũng theo thầy Nhị, với sự nỗ lực của thầy và trò, năm học 2022 – 2023, trường đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Tập thể Hội đồng sư phạm được Hội đồng thi đua Sở GD&ĐT đánh giá “Tập thể Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 2 thầy giáo đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và rất nhiều thầy cô đã được nhận Bằng khen của Trung ương, địa phương. Nhiều em học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện và 2 em được chọn tham dự thi học sinh cấp quốc gia. Học sinh có học lực giỏi, khá, tốt chiếm tỷ lệ 66,4%; trung bình chiếm tỷ lệ 32,85%. Học sinh lớp 12 đậu tốt nghiệp THPT đạt 99,45%, trong đó có trên 80% học sinh đỗ vào các trường đại học.

dsc04697(1).jpg
Năm học mới, thầy và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo quyết tâm tiếp tục xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, nhân văn, thân thiện, tiến bộ, khoa học.

“Những kết quả đạt được trong năm học 2022 – 2023 chính là động lực để tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cố gắng tiếp tục xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, nhân văn, thân thiện, tiến bộ, khoa học, xứng đáng với tên gọi của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo”, thầy Nhị cho biết.

Dự phát biểu, chia sẻ với giáo viên, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo tại Lễ khai giảng năm học 2023-2024, cùng với ghị nhận kết quả đạt được, đồng chí Hà Thị Hạnh, UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông đề nghị Trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Trường phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trường THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil) - lấy học sinh làm trung tâm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO