Trương Thị Thanh Lam - người phụ nữ gây dựng cà phê Hoàng Gia Phú
Chiếc lồng rang bằng vỏ đạn nhuốm màu thời gian nằm bên chiếc máy rang, xay cà phê hiện đại. Chiếc lồng nằm đó như chứng nhân lịch sử chứng kiến hành trình hơn 40 năm gắn bó với nghề của gia đình bà Lam.
Lồng rang bằng vỏ đạn - chứng nhân của thời kỳ khởi nghiệp
Với bà Trương Thị Thanh Lam ở xã Đức Minh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) chiếc lồng rang bằng vỏ đạn gợi nhớ về bao ký ức của những năm tháng khởi nghiệp đầy đam mê và không ít khó khăn. Năm 1977, gia đình bà Lam rời Huế vào xã Đức Minh lập nghiệp. Sinh sống ở vùng đất đỏ bazan với những nông trường cà phê bạt ngàn. Thế nhưng, bà Lam lấy làm lạ vì địa phương không ai uống cà phê. Tìm hiểu ra mới biết nông dân ở đây chỉ mới học cách trồng cà phê, chưa ai chỉ cho cách rang cà phê nhân.
Ở Huế, bố chồng bà Lam là đầu bếp, được học nhiều về ẩm thực, trong đó có học về quy trình rang xay, pha chế cà phê của người Pháp. Mỗi tháng, bố chồng bà Lam rang một đến hai mẻ để phục vụ thói quen uống cà phê mỗi ngày của ông và người thân trong gia đình. Thời đó, cà phê được rang trong nồi gang và mỗi lần rang được 1 lon (sữa ông Thọ) cà phê. Các công đoạn làm ra cà phê bột đều được làm thủ công, từ thu hái, phơi, tách vỏ, tách hạt cà phê, đến rang, xay…
Bà Lam cho biết, mỗi khi bố rang cà phê, tôi nhóm lửa, chuẩn bị nồi rồi đứng bên cạnh quan sát. Thấy tôi thích thú với việc rang cà phê, bố tôi làm tới đâu hướng dẫn tôi tới đó. Từ quy trình lựa hạt cà phê, thời gian rang, cho đến cách nhận biết độ chín của hạt cà phê...
Đến năm 1982, bà Lam bắt đầu tự rang xay được cà phê bột. Bà rang bằng nồi gang, mỗi lần rang được 1 lon cà phê bột. Mỗi mẻ rang kéo dài cả tiếng đồng hồ. Để rang cà phê, bà Lam phải khuấy đều tay và liên tục trong thời gian dài. Bà Lam dùng một chiếc áo len quấn tay để tránh bị bỏng tay. Xong một mẻ rang, người bà ướt đẫm mồ hôi vì nóng.
Theo bà Lam, cách rang bằng nồi gang phải dựa vào tiếng nổ lách tách để kiểm tra độ chín của hạt cà phê và bảo đảm hạt cà phê đạt độ chín mong muốn. Trong quá trình rang, bơ, rượu, muối được bỏ vào đúng thời điểm mới tạo được độ thơm, ngon của cà phê. Để cà phê chuẩn vị thơm, ngon đòi hỏi người rang phải có kinh nghiệm và khả năng nghe nhạy bén để đánh giá.
Việc pha chế cà phê cũng khá đơn giản, chưa có phin như bây giờ, gia đình bà Lam sử dụng vợt, bỏ cà phê bột vào vợt đun lên và lấy nước uống. Bà Lam nhớ lại, mỗi buổi sáng, gia đình tôi mời mọi người trong xóm cùng thưởng thức cà phê, mọi người uống đều khen ngon. Lời động viên của họ giúp bà có thêm động lực và bắt tay thực hiện ý tưởng rang cà phê để bán.
Từ những ly cà phê buổi sáng, bà dần có khách đặt làm quà biếu người thân mỗi khi có dịp về quê hay đi đến các thành phố lớn. Người uống cà phê ngày càng nhiều và lượng cà phê bột bà Lam bán ra cũng tăng lên. Từ 0,5 kg cà phê bột mỗi tuần rồi tăng dần lên 1 kg, 5 kg, 10 kg…
Để kịp thời giao hàng, bà Lam thuê thợ rèn làm cho cái lò rang bằng vỏ ống đạn. Cái lò giúp bà mỗi lần rang được khoảng 3 kg. Năm 1990, bà Lam quyết định mở rộng thị trường, bà mang sản phẩm cà phê bột của gia đình đi ký gửi tại các cửa hàng tạp hoá, điểm bán hàng nông sản. Sản phẩm bước đầu gặp khó khăn vì thói quen uống cà phê của người dân còn ít.
Bà Lam tâm sự, ký gửi người ta cũng không muốn nhận, tôi phải thuyết phục nhiều lần mới được các cửa hàng đồng ý. Theo thời gian, sản phẩm dần được mọi người biết đến ủng hộ, bà Lam tiếp tục đổi lò rang khác, mỗi lần được 25 kg.
Thương hiệu cà phê lâu đời tại Đắk Nông
Khi đã có đầu ra ổn định, năm 2005, bà Lam thành lập Công ty TNHH Hoàng Phát và phát triển tới nay. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc rang xay cà phê bột, bà Lam đã chuyển từ việc rang bằng nồi gang truyền thống sang sử dụng máy rang, xay cà phê bột hiện đại giúp bà tăng năng suất và mở rộng quy mô sản xuất.
Năm 2008, công ty bắt đầu tham gia Hội chợ đầu tiên tại Đà Nẵng và các tỉnh khác để quảng bá sản phẩm đến thị trường mới. Từ các hội chợ, sản phẩm của công ty đã được khách hàng ở nhiều tỉnh thành và được người tiêu dùng đón nhận và ưa chuộng. Từ một sản phẩm cà phê bột đơn thuần, đến nay bà Lam có gần chục sản phẩm cà phê phục vụ nhiều đối tượng khách hàng như: Cà phê bột các loại, cà phê nhân mộc đã qua rang tẩm, cà phê phin giấy…
Cùng với đó, hệ thống máy móc bán tự động với nhiều hệ thống cảm biến hỗ trợ bà từ tuyển lựa hạt, rang, xay cà phê bột được bà nhập về để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Gia đình bà hiện nay mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 2 tấn cà phê bột các loại. Ngoài ra, mỗi năm công ty bán ra khoảng 40 tấn cà phê nhân đã qua chế biến.
Bắt đầu từ chiếc lồng rang bằng vỏ đạn, bà Lam đã đưa cà phê bột Đắk Nông đến nhiều thị trường trong nước với hành trình hơn 40 năm khởi nghiệp của mình. "Hoàng Gia Phú" không chỉ là một thương hiệu cà phê của công ty do bà gây dựng nên, mà còn là câu chuyện về sự kiên trì, tâm huyết và sự sáng tạo của bà Lam. Ở cái tuổi 64, bà Lam đang truyền nghề lại nghề rang xay cà phê bột cho 2 người con để tiếp nối câu chuyện cà phê mà bà dành cả cuộc đời gắn bó tâm huyết.