Biển đảo Việt Nam

Trường Sa một phần thiêng liêng của Tổ quốc

Thanh Hằng 03/07/2023 16:28

Giữa mênh mông của biển cả, nằm ẩn hiện dưới tán phi lao, bàng vuông là các công trình tâm linh ở quần đảo Trường Sa. Không đơn thuần là không gian sinh hoạt văn hóa, những công trình ấy như những cột mốc chủ quyền sừng sững nơi biển đảo của Tổ quốc.

thumb.jpg

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Hải quân Nhân dân Việt Nam năm 1961 như kim chỉ nam, nhắc nhở lực lượng Hải quân, nhắc nhở tất cả người dân Việt Nam phải có trách nhiệm giữ gìn chủ quyền, sự bình yên của Tổ quốc.

thum(1).jpg

Giữa mênh mông của biển cả, nằm ẩn hiện dưới tán phi lao, bàng vuông là các công trình tâm linh ở quần đảo Trường Sa. Không đơn thuần là không gian sinh hoạt văn hóa, những công trình ấy như những cột mốc chủ quyền sừng sững nơi biển đảo của Tổ quốc.

tit-phu-1.jpg

Hiện nay, Việt Nam đang thực thi chủ quyền và quản lý 21 đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Các đảo của Việt Nam ngày càng được củng cố, phát triển về cơ sở vật chất và đời sống kinh tế- xã hội, nhằm từng bước xây dựng huyện đảo Trường Sa thành một đơn vị hành chính ngang tầm với vị trí, vai trò trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

hinh-1(1).jpg

Theo đánh giá, những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của quân, dân trên huyện đảo ngày một nâng lên. Ngoài trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng… nhiều công trình tâm linh khác cũng được đầu tư, xây dựng tại huyện đảo Trường Sa.

ky-1-hinh-3(1).jpg
Nhiều công trình tâm linh khác cũng được đầu tư, xây dựng tại huyện đảo Trường Sa.

Những công trình tâm linh được xây dựng, là nơi lui tới, nơi sinh hoạt tâm linh của Nhân dân huyện đảo và ngư dân Việt Nam khai thác thủy hải sản trên vùng biển của Tổ quốc.

Đặc biệt, nhiều công trình đã góp phần giáo dục lý tưởng cách mạnh, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ mỗi khi đến với Trường Sa.

tit-phu-3(1).jpg

Giữa đại dương mênh mông, tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ở xã đảo Song Tử Tây sừng sững, uy nghi nhìn về phía biển. Tượng đài có chất liệu bằng đá khối, cao 11m, được tạc theo mẫu tượng đài Đức Thánh Trần ở tỉnh Nam Định.

Tượng được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 5.600m2, hướng ra phía Biển Đông. Xung quanh tượng đài, bàng vuông, nho biển và phi lao phát triển xanh tốt, tạo cảnh sắc hài hòa nhưng vẫn rất uy nghiêm, bề thế.

Công trình này không chỉ mang ý nghĩa về văn hoá, tâm linh, chính trị mà còn là điểm tựa, “ngọn hải đăng” trong tâm thức của mỗi cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi đây.

hinh-2(1).jpg
Tượng đài Trần Hưng Đạo ở đảo Song Tử Tây.

Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc, giáo viên Trường tiểu học xã Song Tử Tây cho biết, bên cạnh chùa Song Tử Tây, Tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một điểm sinh hoạt văn hóa của người dân trên đảo.

Đây cũng là công trình phục vụ việc giáo dục học sinh trên đảo, giúp các em hiểu và ghi nhớ những chiến công của cha ông ta trong lịch sử, để từ đó nuôi dưỡng niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

hinh-chau-1(1).jpg
Hiện nay ở quần đảo Trường Sa còn có 9 ngôi chùa. Trong ảnh là Chùa Song Tử Tây ở đảo Song Tử Tây.

Cùng với các công trình tượng đài, nhà tưởng niệm, hiện nay ở quần đảo Trường Sa còn có 9 ngôi chùa, được xây dựng tại các đảo nổi như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa... Mang dáng dấp của những ngôi chùa Bắc bộ, các công trình tâm linh này đã khắc họa rõ nét tín ngưỡng đặc trưng trong văn hóa người Việt.

Đại đức Thích Nhuận Đạt, trụ trì Chùa Trường Sa chậm rãi dẫn từng đoàn khách thăm quan khuôn viên. Chùa Trường Sa tọa lạc ngay “cửa ngõ” dẫn từ biển vào bên trong thị trấn Trường Sa, chính vì thế, mỗi khi đến thăm đảo, các đoàn khách thường ghé thăm nơi đây đầu tiên.

Trong không gian phảng phất mùi hương trầm và tiếng kinh kệ, đại đức Thích Nhuận Đạt chia sẻ: “Chùa Trường Sa đã có từ rất lâu. Đến năm 2008, trên nền móng cũ của chùa, người dân và chính quyền các địa phương trong cả nước góp công đức cải tạo, xây dựng để chùa được khang trang như hiện nay. Đây là nơi người dân thị trấn và ngư dân tìm đến để “nương nhờ cửa Phật”, cầu mong công việc được thuận buồm, xuôi gió”.

Cũng theo chia sẻ của trụ trì Chùa Trường Sa, dù không gian không được rộng lớn như các ngôi chùa ở đất liền, thế nhưng cách bài trí, cách xây dựng và cảnh quan của Chùa Trường Sa vẫn thể hiện được đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Tất cả văn bia, hoành phi, các bức đại tự, câu đối đều được sơn son thếp vàng và sử dụng chữ tiếng Việt như một sự khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền và văn hóa Việt Nam.

Điều đặc biệt, cũng giống như tất cả các ngôi chùa khác ở huyện đảo Trường Sa, Chùa Trường Sa cũng dành riêng một góc nhỏ để đặt bia ghi danh 64 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng tại trận chiến Gạc Ma.

Đây là nơi du khách tới thăm viếng, bày tỏ lòng biết ơn tới những người đã hy sinh vì Tổ quốc, đồng thời là nơi để nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam luôn luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với biển, đảo quê hương.

hinh-bia-tuong-niem(1).jpg
Bia ghi danh 64 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng tại trận chiến Gạc Ma.
tit-phu-3.jpg

Trong hải trình đến với Trường Sa, tất cả các đoàn công tác đều có dịp ghé thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Thông qua lời kể của nhân viên khu tưởng niệm và những hiện vật lịch sử được trưng bày tại đây, các đại biểu phần nào hiểu được quá trình chiến đấu kiên cường và sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ trong hải chiến Gạc Ma 35 năm về trước (14/3/1988).

Đặc biệt, hành trình tới thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, các đoàn công tác đều long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong bảo vệ quần đảo Trường Sa.

ky-1-hinh-7(1).jpg
"Vòng tròn bất tử" tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Trong giờ phút thiêng liêng, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, nơi chỉ cách đảo Gạc Ma chỉ vài hải lý, rất nhiều người giấu nổi sự xúc động, rưng rưng nước mắt khi tưởng nhớ về những người đã anh dũng nằm lại biển cả.

35 năm về trước, ngày 14/3/1988, trên vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma đã diễn ra cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lực để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu.

tran-thi-thuy-4(1).jpg
Đào Gạc Ma hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Với quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, dù trong tay chỉ có cuốc, xẻng, súng bộ binh, nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã mưu trí, sáng tạo, anh dũng chiến đấu.

Trước hành động dã man của kẻ thù, cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam quyết không lùi bước, dũng cảm, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển đảo đến hơi thở cuối cùng.

Đặc biệt, trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương- Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma còn hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”.

dai-uy-thuy.jpg

Cuộc chiến đấu rạng sáng 14/3/1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt. Máu của cán bộ, chiến sĩ hải quân đã hòa vào biển mặn, nhắc nhở thế hệ muôn đời ghi nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc.

Tham gia trong Đoàn công tác số 8, Quân chủng Hải quân ghé thăm Trường Sa vào đầu tháng 5/2023, đại úy Trần Thị Thủy (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân)- con gái của Liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương xúc động, tự hào khi nhắc về sự hy sinh của cha mình: “Bầu trời Trường Sa xanh vời vợi, Trường Sa êm ả, bình yên và phát triển đi lên. Tôi rất tự hào khi cha tôi đã đóng góp vào sự bình yên, phát triển ấy”.

Bài, ảnh: Thanh Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa một phần thiêng liêng của Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO