Tại thời điểm tuyển dụng, chồng của bà Sương đã học lớp Quản lý hành chính Nhà nước và Quản lý ngành Giáo dục - Đào tạo (để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, theo Quyết định số 33/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 22/7/2002).
Hiện nay, khi rà soát hồ sơ giáo viên, nhà trường thông báo, chồng bà Sương không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và đang làm việc không đúng vị trí, đồng thời yêu cầu chồng bà phải bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Bà Sương hỏi, trường hợp của chồng bà (đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tuyển dụng; bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương theo ngạch viên chức và đã giảng dạy 20 năm) có cần phải học lại và bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không?
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Thời điểm năm 2004, tiêu chuẩn ngạch giáo viên THPT thực hiện theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC ngày 8/6/1994 của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ. Trong đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo là: "Tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên (nếu tốt nghiệp trường đại học khác về một chuyên ngành có giảng dạy trong chương trình phổ thông trung học cấp 3 thì phải qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo chương trình nội dung của Bộ Giáo dục và Ðào tạo)".
Hiện tại, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên THPT thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 như sau:
"Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".
Như vậy, trường hợp chồng của bà Trần Tuyết Sương cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thì mới đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên THPT.
Chinhphu.vn