Được nhà nước đầu tư làm đường, anh Mã Văn Hùng, Trưởng bản Cao Lạng, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã vận động Nhân dân đóng góp thêm hơn 500 triệu đồng để tuyến đường thêm khang trang, rộng rãi.
Được Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường, anh Mã Văn Hùng, Trưởng bản Cao Lạng, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã vận động Nhân dân đóng góp thêm hơn 500 triệu đồng để tuyến đường thêm khang trang, rộng rãi.
Bản Cao Lạng là một trong những vùng trồng xoài lớn nhất tỉnh Đắk Nông. Trước đây, vào mùa thu hoạch, do đường đi lại khó khăn, người dân phải sử dụng xe gắn máy chở xoài từ vườn ra đường lớn để bán cho thương lái. Cũng vì thế mà giá nông sản này bấp bênh, đầu ra không bảo đảm, bị thương lái ép giá.
Năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, bản Cao Lạng được hỗ trợ kinh phí xây dựng tuyến đường dài khoảng 2km theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Để hoàn thành tuyến đường này, người dân bản Cao Lạng đã góp được hơn 500 triệu đồng.
Trưởng bản Cao Lạng Mã Văn Hùng kể: “Khi được lãnh đạo UBND xã Đắk Gằn thông báo về kế hoạch và dự kiến kinh phí làm đường, tôi cùng đồng chí Bí thư Chi bộ đã tổ chức họp, lấy ý kiến người dân về việc huy động kinh phí. Rất mừng là bà con đều đồng thuận đóng góp. Có thể do cả chục năm đi lại trên con đường đất, hư hỏng nên bà con đồng ý ngay. Chúng tôi thống nhất, số tiền đóng góp sẽ theo diện tích đất của mỗi hộ dân có đường chạy qua”.
Đến ngày đóng tiền, chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, bản Cao Lạng đã “gọi vốn” thành công khi tất cả hộ dân đều hoàn thành nghĩa vụ đóng góp của mình.
“Nếu tính ra đầu hộ, số tiền đóng góp khá lớn nhưng trước đó mọi người đều chuẩn bị đầy đủ và đóng đúng hẹn. Nhiều năm liền làm trưởng bản, đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi khi nhận được sự đồng thuận cao của bà con Nhân dân”, anh Hùng nhớ lại.
Theo Trưởng bản Cao Lạng, để bà con đồng ý và đóng góp đúng, đủ số tiền, điều quan trọng nhất là tạo được niềm tin.
Trong quá trình thu, quản lý số tiền, anh Hùng cùng Ban Tự quản, Ban Công tác mặt trận bản chủ động công khai, minh bạch số tiền để bà con nắm được.
Sau thành công từ tuyến đường nội bản Cao Lạng, năm 2023, anh Hùng tiếp tục vận động thành công người dân hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công (tổng trị giá khoảng 100 triệu đồng) để làm thêm một tuyến đường khác, dài hơn 1km.
Anh Đàm Văn Tiến, người dân bản Cao Lạng cho hay: “Tuyến đường vào bản khang trang như ngày nay, một phần là nhờ tiếng nói của trưởng bản. Bà con trong bản đều đồng lòng đóng góp, với hy vọng đường sá thuận lợi, đi lại thuận tiện, mua bán trao đổi hàng hóa cũng dễ dàng hơn”.
Cuối năm 2019, anh Mã Văn Hùng được người dân trong bản tín nhiệm, bầu làm trưởng bản. Hiện anh Hùng là trưởng bản trẻ nhất trong số các trưởng thôn, trưởng bản của xã Đắk Gằn.
5 năm qua, trưởng bản Mã Văn Hùng được mọi người tin tưởng nhờ những nỗ lực, đóng góp nhằm thay đổi đời sống người dân.
Anh Hùng cho biết, bản Cao Lạng chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Khi chưa có cây xoài, đời sống người dân rất khó khăn vì đất đai cằn cỗi, không màu mỡ, giao thông đi lại cách trở.
“Năm 2012, bản có đến 60% hộ nghèo, cận nghèo. Cuộc sống thiếu thốn, một số hộ dân đã bán đất để về lại quê hoặc tìm nơi ở mới. Đến nay toàn bản có 87 hộ, đời sống người dân đã tốt hơn rất nhiều, cả bản chỉ còn 1 hộ nghèo”, anh Hùng phấn khởi chia sẻ.
Để có được kết quả này, theo anh Hùng, đó là cả một quá trình phấn đấu và thay đổi nhận thức của người dân. Từ thay đổi phương thức, tập quán sản xuất đến thay đổi, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đặc biệt, nhờ cây xoài cho trái ngọt trên vùng đất sỏi đá Đắk Gằn, đời sống bà con được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu.
“Trước đây, khi vào Đắk Nông sinh sống, người dân vẫn giữ lại một số phong tục. Theo thời gian, những phong tục này không còn phù hợp, thậm chí trở thành hủ tục, ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Nhận thức được điều này, tôi cùng Ban Tự quản đã vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan đặc biệt là các hủ tục ma chay, đám hỏi”, anh Mã Văn Hùng thông tin.
Hiện nay, tại bản Cao Lạng, các gia đình có người mất, trong vòng 24 giờ đồng hồ là tổ chức xong tang lễ. 4 năm liền, bản không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Bà con Nhân dân được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu, con em trong vùng không có trường hợp nào nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn.
“Hiện nay chúng tôi còn 1 hộ nghèo. Đối với trường hợp này, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm hỗ trợ. Chúng tôi phấn đấu sẽ xóa trắng hộ nghèo trong thời gian tới”, Trưởng bản Cao Lạng nói.
Không chỉ vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, Trưởng bản Cao Lạng Mã Văn Hùng còn là gương sáng trong phát triển kinh tế cho bà con học tập, làm theo.
Giai đoạn 2019- 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ trồng xoài gặp khó khăn để tìm đường ra cho nông sản. Thời điểm đó, anh Hùng cùng Ban tự quản bản Cao Lạng đã tích cực vận động người dân không phá bỏ cây xoài để không đứt gãy nguồn cung.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động xuất khẩu nông sản được khơi thông, xoài của bản Cao Lạng tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhờ cây xoài, hiện nay, người dân bản Cao Lạng có nguồn thu trung bình khoảng 200 triệu đồng/ha.
Ông Lại Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn đánh giá, Trưởng bản Cao Lạng đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chính sự nhiệt tình, trách nhiệm và cống hiến, anh Mã Văn Hùng đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong Nhân dân, từ đó mà chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thực sự đi vào đời sống người dân bản Cao Lạng.
Đắk Nông, ngày 12/7/2024
Nội dung, trình bày: Đặng Dương